.

Bộ Y tế công bố 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine COVID-19

Cập nhật: 09:46, 23/02/2021 (GMT+7)

Các nhóm đối tượng được sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam.

a
Các hoạt động nghiên cứu vaccine COVID-19 của Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vaccine COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine này cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm:

- Nhân viên y tế.
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- Lực lượng quân đội.
- Lực lượng công an.
- Giáo viên.
- Người trên 65 tuổi.
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Những người mắc các bệnh mạn tính.
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Với số lượng 4.886.600 liều vaccine ngừa COVID-19 được COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam (25-35% trong quý I/2021 và 65-75% trong quý II/2021), sẽ được phân bổ cho các nhóm đối tượng như sau.

Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Trong quý II, COVAX sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 quân nhân, 304.000 cán bộ, chiến sĩ công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vaccine.

Tới quý III, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vaccine cho các quốc gia để tiêm chủng cho tối đa 20% dân số. Theo đó, trong quý III, Việt Nam sẽ có khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người được tiêm. Số lượng vaccine này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên, 7.600.000 người trên 65 tuổi, 1.930.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7.000.000 người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Theo hướng dẫn này, vaccine sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do COVID-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông quan trọng.

Chương trình COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận  vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập để cung cấp vaccine COVID-19 cho 190 quốc gia.

Trước đó, GAVI đã chính thức xác nhận Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vaccine. GAVI và COVAX Facility dự kiến hỗ trợ toàn bộ vaccine cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thuộc Liên minh.

Tuy nhiên, trên cơ sở ước tính hiện tại, Chương trình sẽ cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vaccine hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 cụ thể là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có đủ nguồn vaccine; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.

(Theo chinhphu.vn)

 

.
.
.