.

"Đêm trắng" với bệnh nhân ngày tết

Cập nhật: 10:00, 17/02/2021 (GMT+7)

Hằng đêm trong những ngày tết dù mọi người đã chìm vào giấc ngủ nhưng tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang vẫn luôn sáng đèn. Các y, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây luôn tất bật với cuộc đua giành lấy sự sống cho các bệnh nhân.

NHIỀU CA CẤP CỨU TRONG NGÀY TẾT

22 giờ ngày 14-2 (nhằm Mùng 3 tết), tiếng còi xe cấp cứu liên tục ra vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang. Bên cạnh số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông bởi rượu bia tăng đột biến trong những ngày tết thì nhiều bệnh nhân nặng như đột quỵ, viêm phổi, ngộ độc thuốc…, liên tục nhập viện hay được chuyển từ tuyến dưới lên.

Các y, bác sĩ Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang nỗ lực cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ vào đêm Mùng 3 tết.
Các y, bác sĩ Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang nỗ lực cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ vào đêm Mùng 3 tết.

Càng vào dịp Tết Nguyên đán, công việc của các y, bác sĩ trực cấp cứu càng bận rộn, tất bật và áp lực hơn những ngày thường. Bác sĩ Trần Thị Bích Hẹn, Trưởng ê kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang vào Mùng 3 tết cho biết, có những thời điểm bệnh nhân nhập viện dồn dập, các y, bác sĩ không kịp nghỉ, phải liên tục cấp cứu từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, khi xử lý xong các ca bệnh là đã bước sang ngày mới.

Còn tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU), Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, bác sĩ Võ Phát Đạt liên tục hội chẩn cùng các bác sĩ khác cho biết: “Khoa chỉ có 25 giường nhưng trong những ngày tết số ca nhập viện quá đông nên chúng tôi phải kê thêm 40 giường mà vẫn chưa đủ tải bệnh nhân”.

Theo thống kê của Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, chỉ trong 6 ngày tết (từ ngày 28 đến sáng Mùng 4 tết), bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.810 ca, trong đó có 266 ca do tai nạn giao thông, 110 ca tai nạn sinh hoạt, 48 ca tai nạn do đánh nhau. Chỉ riêng ê kíp trực Mùng 3 tết đã cấp cứu trên 300 ca, trong đó có 51 ca tai nạn giao thông.

TẤT CẢ VÌ BỆNH NHÂN

Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, cho biết: “So với các ngành nghề khác trực đêm thì ngày được nghỉ, nhưng riêng với ngành Y thì trước ca trực vẫn làm việc bình thường. Nghĩa là một ca trực đối với chúng tôi phải làm việc 24 giờ. Công việc áp lực, mất ngủ thường xuyên là điều không thể tránh khỏi. Tuy mệt mỏi nhưng khi có ca cấp cứu hay bệnh nhân trở nặng thì chúng tôi phải xốc lại tinh thần, luôn tỉnh táo xử lý mọi tình huống một cách chính xác nhất”.

Có mặt tại Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang vào khuya Mùng 3 tết, chúng tôi trắng đêm cùng với các y, bác sĩ trong cuộc đua giành sự sống cho các bệnh nhân thì mới thấu hiểu được nỗi vất vả của họ. Họ rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, tin tưởng và đồng cảm của xã hội, đặc biệt là thân nhân người bệnh, đó cũng là động lực để các y, bác sĩ thực hiện hoàn thành trách nhiệm của mình.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Chiến với 30 năm làm nhiệm vụ tại khoa Cấp cứu cho biết, trực trong những ngày tết vất vả và áp lực hơn nhiều so với ngày thường, bởi chủ yếu tiếp nhận những ca cấp cứu rất nặng do tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, đa chấn thương hay đột quỵ ngưng tim, ngưng thở… Có khi trong vòng chưa đầy 30 phút mà có đến 5 - 7 ca nặng chuyển vào, ê kíp trực phải làm việc liên tục để không lãng phí “thời gian vàng” giành lại sự sống cho bệnh nhân.

“Dù vất vả và không kém phần thiệt thòi khi không được ở bên gia đình trong những ngày tết nhưng với tinh thần trách nhiệm tất cả vì bệnh nhân, chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để có thể giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch và khỏi bệnh nhanh. Nếu những bệnh nhân nào mình cấp cứu, điều trị ổn thì sau mỗi ca trực trở về nhà cùng gia đình, chúng tôi càng cảm thấy vui hơn” - điều dưỡng Chiến chia sẻ.

TUẤN LÂM

.
.
.