Thứ Ba, 16/03/2021, 09:26 (GMT+7)
.

Bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc

(ABO) Với sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới, dưới sự điều phối của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế Tiền Giang tổ chức Hội thảo lập kế hoạch về quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại các trạm y tế trong tình hình mới năm 2021.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh không lây nhiễm tăng huyết áp, đái tháo đường là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền, tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm. Vì vậy, người dân còn khá chủ quan trong việc phòng ngừa. Thực tế, 2 bệnh không lây nhiễm này có thể phòng tránh được thông qua việc thay đổi hành vi, lối sống như: Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn uống và luyện tập thể thao hợp lý…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo.

Với sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới, dưới sự điều phối của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm như: Kế hoạch Hành động phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được triển khai thành công đối với một số bệnh không lây nhiễm trên cả nước và một số địa phương trọng điểm. Tại Tiền Giang, từ năm 2018 Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới đã triển khai chương trình hoạt động “Tăng cường phát hiện sớm, điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình”. Tính đến thời điểm hiện tại có 47 xã, phường điểm được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thực hiện chương trình.

PGS TS. Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tại Việt Nam, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Ước tính, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Đây cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có hơn 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Từ nay đến cuối năm 2021, công tác dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm tại Tiền Giang sẽ đẩy mạnh truyền thông; tăng cường hệ thống y tế cơ sở; phát hiện và quản lý điều trị bệnh liên tục, lâu dài…

THANH HOÀNG

.
.
.