Thứ Ba, 06/04/2021, 19:44 (GMT+7)
.

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng

(ABO) Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh khu vực phía Nam và có sự gia tăng tỷ lệ nhiễm EV71 - tác nhân gây bệnh cảnh nặng và gây tử vong. Do đó, cần tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống để kiểm soát bệnh, không để lây lan trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang.

TỶ LỆ NHIỄM EV71 TĂNG

TCM là một bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây ra, hay gặp nhất là Coxsackievirus A16, A6, A10 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, môi trường có vi rút gây bệnh.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hầu hết các ca bệnh (từ 99,5% - 99,7%) đều diễn biến nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp (từ 0,3% - 0,5%) bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong do vi rút EV 71.

Bóng nước xuất hiện trên tay chân miệng bệnh nhân
Bóng nước xuất hiện trên tay, chân, miệng bệnh nhân.

Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Các tỉnh miền Nam chiếm 85% số ca mắc của cả nước, tập trung ở nhóm tuổi nhỏ dưới 5 tuổi, cao nhất từ 1 - 3 tuổi là 80%. Điều này có liên quan đến điều kiện khí hậu, thời tiết, môi trường sống, sự thay đổi chủng, thứ tuýp của vi rút và sự lưu hành nhiều tác nhân gây bệnh.

Hiện bệnh TCM đang vào đỉnh bệnh thứ nhất từ tháng 3 đến tháng 5. Tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong 3 tháng đầu năm 2021, số mắc TCM là 13.692 trường hợp, gia tăng gấp 3, 4 lần so với cùng kỳ năm 2020; có 3 trường hợp tử vong tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Long An do nhiễm EV71, tác nhân gây bệnh cảnh nặng và dễ gây tử vong. Kết quả xét nghiệm các trường hợp TCM cho thấy tỷ lệ nhiễm EV71 chiếm 35% trong các mẫu bệnh phẩm.

Tại Tiền Giang, đến tuần thứ 13 của năm 2021 (tức là đến ngày 28-3-2021), số mắc TCM là 636 trường hợp và có 1 trường hợp tử vong vào tháng 12-2020 tại huyện Tân Phước do nhiễm EV71. So cùng kỳ năm 2020, số mắc TCM tăng 3,6 lần, kết quả xét nghiệm các trường hợp TCM cho thấy tác nhân EV71 chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số mẫu bệnh phẩm. Dự báo tình hình bệnh TCM sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch, gia tăng số mắc kéo dài trong năm, nhiều trường hợp diễn tiến nặng có thể tử vong.

CẦN CẢNH GIÁC VÀ TÍCH CỰC PHÒNG BỆNH

Do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa từ nước bọt, nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, tiếp xúc với bàn tay chưa rửa sạch, bề mặt các vật dụng có chứa vi rút của người bệnh... Để chủ động phòng bệnh TCM cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và người dân trong cộng đồng trong các hoạt động thường quy như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn và trẻ em.

Hạn chế tiếp xúc gần như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng… với trẻ em bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà bông để phòng bệnh TCM
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà bông để phòng bệnh TCM.

Vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng.

Vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà bông để phòng lậy bệnh TCM trong trường học
Vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà bông để phòng lậy bệnh TCM trong trường học.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Quản lý chất thải: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh, cụ thể là các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện các triệu chứng nghi ngờ, các dấu hiệu nặng và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

BSCKII LÊ ĐĂNG NGẠN

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang)

 

.
.
.