.

Lấy kim khâu chọc vào ổ chín mé, hậu quả khó lường

Cập nhật: 11:05, 02/04/2021 (GMT+7)

Bé Nguyễn Trường G. 3 tuổi, nhà ở phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mẹ bé thấy ngón tay cái của bé bị bầm tím, sưng to, đã đưa bé đến cơ sở y tế khám bệnh. Mẹ bé cho biết, bé thường xuyên mút ngón tay cái, mấy ngày nay ngón tay mút sưng phồng lên, bên trong có nước màu ngà ngà, gây đau, bé khóc thảm lắm.

Nghe hàng xóm nói hãy lấy một cây kim khâu chọc vào bóng nước, nó bể ra mới hết đau. Mẹ bé làm thử, ai dè nơi đó không những không bớt đau, mà còn sưng nhiều hơn, rồi lan dần tới hết lóng tay ngoài cùng.
Bác sĩ khám, cho biết bé bị chín mé ngón tay. Lúc vết thương còn đang viêm cấp, chưa khu trú, mà người nhà vô tình chọc vào bóng nước khiến tình trạng viêm nhiều và lan rộng hơn. Riêng cái kim khâu không phải là vật vô trùng, có khả năng đưa vi trùng từ bên ngoài vào nơi tổn thương.

Sau khi giải thích, bác sĩ ra toa, dặn dò mẹ bé về nhà cho bé uống thuốc và chăm sóc vết thương. Về chuyên môn, chín mé là tình trạng viêm các nếp gấp da xung quanh móng do vi trùng hoặc siêu vi trùng, tiếng Anh gọi bệnh này là bệnh felon, tức “Sát thủ tàn bạo”, bởi gây triệu chứng đau đớn khủng khiếp, đau xảy ra bất chợt từng cơn như trêu chọc người bệnh, cảm giác tê buốt, nhất là khi ngón tay nhúc nhích, hoặc để yên mà mạch máu ngón tay đập theo nhịp tim cũng làm người bệnh khó chịu, toàn thân mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, sốt.

Đau nhiều vì ở đầu ngón tập trung các sợi thần kinh cảm giác, thần kinh mọc chằng chịt và rất nhạy cảm với mọi thứ. Nó còn tàn bạo hơn nữa vì ở đầu ngón tay được chia thành nhiều ngăn nhỏ bởi vách ngăn dọc giúp ổn định vùng móng, khi nhiễm trùng trong các ngăn này có thể dẫn đến hình thành áp xe, phù nề và phát triển nhanh chóng do tăng áp lực trong một không gian kín.

Sự gia tăng áp lực này có thể làm giảm lưu lượng máu và dẫn đến hoại tử da và xương. Xương bị hoại tử có khi phải tháo bỏ một lóng tay, hay gặp ở các bé suy giảm miễn dịch, tiểu đường, nặng nhất là nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng người bệnh. Chín mé có 3 loại: Chín mé nông, chín mé dưới da và chín mé sâu. Trường hợp bé G. là chín mé dưới da, tức viêm đến mô dưới da gây sưng và mọng nước.

Về điều trị, trong giai đoạn đầu chín mé chưa hóa mủ, bà con  chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa vết thương bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn, lau khô và uống thuốc do bác sĩ kê toa. Nếu chín mé hóa mủ thì đến cơ sở y tế để bác sĩ điều trị thích hợp theo chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý chích rạch vết thương.

Đề phòng bệnh chín mé, bà con không nên để bé cắn móng tay, mút tay. Khi cắt móng tay, móng chân không cắt sâu quá, sát quá, tránh làm tổn thương da quanh móng; không để các góc nhọn của móng nhô ra ngoài, vì dễ bị xước khi chấn thương, mà hãy dùng giũa hoặc giấy nhám làm nhẵn móng. Thời điểm cắt móng tay, móng chân tốt nhất là sau khi tắm, vì khi đó móng sẽ mềm hơn, dễ cắt hơn. Luôn giữ móng tay, móng chân sạch sẽ, khô ráo. Không ngâm nước tay chân quá lâu, hoặc để bụi bám kẽ móng nhiều, vì bụi, bẩn là ổ vi trùng trú ngụ chờ đợi để có cơ hội xâm nhập vùng quanh móng bất cứ khi nào.


BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.