.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong mùa thi

Cập nhật: 16:03, 26/05/2021 (GMT+7)

Với khối lượng bài học nhiều, cường độ học tập cao… mùa thi bao giờ cũng tạo nhiều áp lực với học sinh cuối cấp, nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12. Ở thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, bên cạnh giữ tinh thần học tập, ôn luyện hiệu quả thì học sinh cần có kiến thức, kỹ năng trong việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân trong mùa thi. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

* PV: Theo bác sĩ thì học sinh cần phải làm gì để có được sức khỏe nói chung và trong mùa thi nói riêng?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Mùa thi cử là thời gian căng thẳng nhất đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Một chế độ dinh dưỡng đảm bảo, sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý để giữ được sức khỏe trong học tập với hiệu quả cao nhất là điều không chỉ các bậc phụ huynh quan tâm mà chính bản thân các em học sinh  cũng nên biết và thực hiện. Cụ thể, năng lượng cần cho hoạt động sinh hoạt và học tập bình thường của một học sinh là khoảng 40 - 45 Kcal/số kg của cơ thể/ngày, nếu học hành căng thẳng thì năng lượng có thể tăng lên 50 - 60 Kcal/số kg của cơ thể/ngày. Tuy nhiên, các em không nên tập trung ăn uống quá mức, vì khi đó máu sẽ phải dồn nhiều về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não làm dễ buồn ngủ, mất khả năng tiếp thu bài học.

Bên cạnh đó, thức ăn hằng ngày phải cân đối và đủ 4 nhóm chất: Nhóm tinh bột (gạo, bánh mì, mì ống, khoai tây, ngũ cốc, yến mạch…) cần cung cấp đảm bảo khoảng 65% năng lượng hằng ngày cho cơ thể. Nhóm dầu, mỡ khoảng 20% năng lượng hằng ngày để hoạt động trí não được tốt. Nhóm đạm, cung cấp khoảng 15% nhu cầu năng lượng hằng ngày từ các nguồn như cá, cua, lươn, ếch, tôm tép, mực, thịt, trứng, sữa, các loại đậu hạt (đậu nành, đậu đen, đậu ván, đậu xanh, đậu đỏ…). Nhóm vitamin, chất khoáng, chất vi lượng, chất xơ, đặc biệt là các vitamin nhóm B (có trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau), vitamin C (có trong rau và trái cây), Acid folic (có trong rau lá có màu xanh đậm), Mg (có trong rau xanh và các loại hạt) và kẽm (có trong hàu, cá và các loại hạt).

Ngoài ra, chất sắt cũng rất quan trọng, chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá hoặc rau xanh như rau dền, bồ ngót và các loại đậu. Và một khoáng chất không thể thiếu nữa, đó là I-ốt, vì thiếu chất này sẽ làm cho hoạt động trí não của các em bị trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu bài trong giờ học.

Duy trì một bữa ăn hợp lý là điều rất quan trọng. Do đó, các em học sinh cần phải ăn đủ các bữa sáng, trưa, chiều và nên ăn đúng giờ. Các em nên uống nước khoảng 2 lít/ngày, trời nắng nóng thì cần uống nước nhiều thêm nữa vì thiếu nước sẽ dễ gây mỏi mệt, thỉnh thoảng nên uống kèm theo nước ép trái cây (dưa hấu, cam, đào…) nhằm cung cấp thêm những vitamin cần thiết khác.

* PV: Hiện nay, học sinh lớp 9 và lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, bác sĩ có lời khuyên nào để các em có được thời gian biểu hợp lý, dung hòa giữa việc học và giữ gìn sức khỏe?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Bên cạnh vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng, thì phụ huynh nên định hướng cho các em sắp xếp thời gian biểu một cách khoa học giữa học tập, nghỉ ngơi và sinh hoạt giải trí. Về chế độ nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe và học hành tiếp thu tốt cần ngủ đủ ít nhất 6 - 7 giờ/đêm, buổi trưa nên có giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút. Mặc dù bài học trong giai đoạn ôn thi rất nhiều nhưng các em học sinh cố gắng ngủ trước 22 giờ, không nên thức khuya và buổi sáng nên thức dậy sớm lúc 5 giờ để bắt đầu cho việc học.

Việc học dồn, thức học thâu đêm là những việc học sinh cần nên tránh, vì sự tiếp thu bài học sẽ giảm dần theo sự mệt mỏi của trí óc và thể chất, nguy cơ “ngã quỵ” trước giờ thi sẽ rất cao. Các em học sinh cũng đừng quên dành thời gian rèn luyện thể lực, tập luyện thể dục, thể thao khoảng 60 phút mỗi ngày để có sự cân bằng hoạt động trí óc và hoạt động thể lực. Các em nên tránh chơi những môn thể thao va chạm, dễ gây chấn thương mà nên tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy xe đap, đá cầu...

* PV: Nhiều phụ huynh lo lắng sức khỏe của con em mình trong mùa thi nên đã mua các loại thực phẩm chức năng cũng như thuốc an thần cho con em mình sử dụng, điều này có nên hay không, thưa bác sĩ?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Chúng ta không nên lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê... Đối với hệ thần kinh trung ương, chất caffeine làm cho cơ thể con người cảm thấy tỉnh táo, giảm mệt mỏi, làm cho tim đập nhanh, tăng cường khả năng hoạt động cơ bắp nên thấy người khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu cơ thể con người dùng lượng nhiều cà phê, trà đậm đặc, cụ thể uống trên 2 ly cà phê/ngày (hoặc lần đầu mới dùng cà phê) sẽ làm cơ thể cảm thấy bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, tim đập nhanh, run tay, co thắt dạ dày, buồn nôn… dẫn đến việc học tập kém hiệu quả và không đủ sức khỏe khi bước vào thi cử.

Phụ huynh cũng như các em học sinh không được tự ý mua thực phẩm chức năng, thuốc an thần theo quảng cáo hoặc truyền tai nhau để uống. Nếu hằng ngày chúng ta ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm cơ bản gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất đã bảo đảm từ đủ đến dư năng lượng hoạt động hằng ngày, đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, không cần thiết phải mua uống thêm thuốc gì. Việc sử dụng bất kỳ thuốc gì cũng phải có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm ngay lập tức và lâu dài cho cơ thể con người.

* PV: Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nhưng học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn đến trường để ôn thi, do đó bác sĩ có lời khuyên gì để các em giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch?

* TS.BS Đỗ Quang Thành: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh có thể dẫn đến bỏ lỡ các kỳ thi quan trọng, học sinh cần tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” của Bộ Y tế. Gia đình học sinh thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương khác để tránh đi đến các nơi đang xảy ra dịch bệnh; đồng thời, thường xuyên nắm bắt các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Khi các thành viên trong gia đình cũng như bản thân học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện thoại cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

* PV:  Xin cảm ơn bác sĩ!

Đ.PHI (thực hiện)

.
.
.