.

Đừng chủ quan với sốt xuất huyết

Cập nhật: 11:46, 18/06/2021 (GMT+7)

Hiện tại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang hết sức phức tạp thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng nên việc phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) đang có sự thiếu tập trung. Đây là nguy cơ dẫn đến dịch chồng dịch vô cùng nguy hiểm.

Hiện nay đang là mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh SXH sinh sôi. Do đó mỗi người, mỗi gia đình cần ý thức tự giác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và môi trường xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.

SỐT XUẤT HUYẾT TĂNG TRỞ LẠI

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang (CDC Tiền Giang), trong tuần 24, toàn tỉnh ghi nhận 43 ca mắc SXH, tăng gần gấp đôi so với tuần cùng kỳ năm trước; tăng 25,6% so với tuần trước. Nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 1.117 ca, tăng  21,7% so với cộng dồn cùng kỳ năm 2020; đặc biệt là đã xảy ra 1 ca tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chơn, Giám đốc CDC Tiền Giang cho biết, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với sự xuất hiện ca bệnh ngay từ đầu năm. Xét trên tổng số ca mắc thì Tiền Giang đang đứng hàng thứ 4 so với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều này cảnh báo tỉnh không thể lơ là trong phòng, chống SXH.

CDC Tiền Giang giám sát kết quả thực hiện Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng.
CDC Tiền Giang giám sát kết quả thực hiện Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Cho đến thời điểm này, Cái Bè là huyện có số ca mắc SXH cao nhất với trên 250 ca; kế đến là huyện Cai Lậy với 214 ca và TP. Mỹ Tho xếp thứ 3 với 152 ca. Với 3 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phú Đông là nơi có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh. Trong tuần ghi nhận 13 ổ dịch SXH thuộc 6 huyện và đã được địa phương xử lý.

Tại các địa phương, chính quyền các cấp đã chỉ đạo thực hiện Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt chiến dịch, kéo giảm chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tuy nhiên vẫn còn những nơi dù đã ra quân chiến dịch lần 2 nhưng vẫn còn chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao.

CHỦ ĐỘNG TIÊU DIỆT MẦM BỆNH

Để phòng, chống SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH và để làm được điều này quan trọng là phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, thì sẽ không thể ngăn chặn một cách hiệu quả sự lan tràn của dịch bệnh SXH.

Muỗi sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Nói cách khác, nỗ lực kiểm soát số lượng muỗi của cá nhân là điều cần thiết để phòng, chống sự lan tràn SXH trong cộng đồng. Đồng thời, hành động của cộng đồng cũng có thể khuyến khích các cá nhân giữ cho hộ gia đình của mình không có muỗi. Và mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng, chống SXH, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần, sắp xếp quần áo ngăn nắp, gọn gàng không cho muỗi trú đậu. Ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo quần dài hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt.

Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa. Làm nắp đậy kín các lu khạp chứa nước, dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước… không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để ăn lăng quăng.

Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà cũng như những dấu hiệu nặng của bệnh SXH cần nhập viện điều trị.

Trước tình hình trên, để chủ động kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh SXH trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được ghi nhận tại cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện những nhiệm vụ cần thiết.

Trong đó, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH thuộc lĩnh vực quản lý đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc, các cấp tùy theo chức năng và nhiệm vụ. Vận động cán bộ, đảng viên nêu gương trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát lăng quăng hằng tuần tại hộ gia đình kết hợp với hoạt động vệ sinh môi trường vào thứ sáu hằng tuần tại trụ sở làm việc nhằm duy trì hiệu quả của các đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát huy vai trò của từng hội, đoàn thể, lồng ghép các hoạt động với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, huy động toàn lực lượng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cụ thể theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

MAI HÀ

.
.
.