Thứ Năm, 17/06/2021, 16:32 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tăng cường nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

(ABO) Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Tiền Giang, ngày 16-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang tổ chức Lớp tập huấn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi mắc Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho cán bộ y tế, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang nhằm tăng cường nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, lớp tập huấn diễn ra trong 1 ngày với đối tượng tham gia là lãnh đạo, nhân viên xét nghiệm các phòng khám, Trưởng Trạm Y tế, cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch các đơn vị trực thuộc Trung tâm Y tế; Phòng Tổ chức, Phòng Đào tạo và gần 50 sinh viên năm cuối các khoa Dược, Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang tình nguyện tham gia lực lượng phòng, chống dịch của tỉnh.

Thạc sĩ Võ Thanh Bình tập huấn cho học viên
Thạc sĩ Võ Thanh Bình tập huấn cho học viên.

Tại lớp tập huấn, Thạc sĩ Võ Thanh Bình, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đã tập huấn các nội dung như: Lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2; quy trình xử lý rác thải nguy hại; an toàn sinh học đối với dịch bệnh nhóm A.

Đặc biệt, trọng tâm hướng dẫn sử dụng bộ trang phục bảo hộ cá nhân; quy trình lấy mẫu dịch tỵ hầu, dịch họng, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19 và việc thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 được tiến hành ở ba giai đoạn: Giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài nhập cảnh, không có ca mắc trong cộng đồng; giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Gần 50 sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang tham gia lớp tập huấn để tham gia lực lượng chống dịch
Gần 50 sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang tham gia lớp tập huấn để tham gia lực lượng phòng, chống dịch Covid-19.

Dưới sự hướng dẫn của báo cáo viên, các học viên được xem các video thực hành lấy mẫu, ghi thông tin mẫu bệnh phẩm, đóng gói, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm đảm bảo an toàn, chính xác.

Thông qua lớp tập huấn, nhằm giúp tăng cường kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường nhân lực lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 của tỉnh.

Ngoài sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng đã được phát triển, góp phần đa dạng hóa các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút, có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, chi phí thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 không dùng để thay thế cho xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền của vi rút SARS-CoV-2 (Realtime RT-PCR) mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.

THANH HOÀNG

.
.
.