Thứ Sáu, 09/07/2021, 10:07 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TIỀN GIANG:

Tiền Giang tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax

Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đang vô cùng phức tạp. Việc bảo vệ sức khỏe trước Covid-19 bằng vắc xin đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 đang rất hạn chế. Để bảo vệ người dân trước đại dịch này thì vắc xin nội đang được xem là giải pháp lâu dài. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết:

Tiền Giang được chọn tham gia vào quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax - một loại vắc xin phòng Covid-19 nội địa đã nghiên cứu và qua 2 giai đoạn thử nghiệm thành công.

* Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết cụ thể Tiền Giang sẽ tham gia như thế nào trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax?

* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Dựa trên kết quả nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn 2 vào ngày 28-5, Hội đồng đánh giá ứng viên vắc xin Nano Covax có tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn thử nghiệm này, tuy nhiên để đánh giá hiệu lực bảo vệ của ứng viên vắc xin thì cần thêm thời gian và số lượng mẫu, đặc biệt kết quả đánh giá trong phòng thí nghiệm.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế, Hội đồng thống nhất với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Học viện Quân y đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm trên toàn bộ tình nguyện viên. Trong số 12.000 tình nguyện viên có 4.000 tình nguyện viên ở tỉnh Hưng Yên, 2.000 ở tỉnh Long An và 6.000 ở tỉnhTiền Giang. Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở khu vực phía Bắc do Học viện Quân y phụ trách nghiên cứu và ở phía Nam do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Tiền Giang được Bộ Y tế chọn triển khai tiêm vắc xin Nano Covax tại huyện Cái Bè, TX. Cai Lây, huyện Cai Lậy và vừa rồi có bổ sung thêm huyện Tân Phước.

Sản xuất vắc xin nội địa là giải pháp rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh vắc xin
Sản xuất vắc xin nội địa là giải pháp rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh vắc xin.

Ngày 28 và 29-6 vừa qua, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Nano Covax tại khu vực phía Nam) đã tập huấn cho toàn bộ lực lượng cán bộ y tế tham gia và quy trình thử nghiệm vắc xin trên người tình nguyện giai đoạn 3 theo đề cương được phê duyệt.

Chúng tôi sẽ tổ chức tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax cho tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó nhóm nghiên cứu sẽ có đánh giá và báo cáo. Về thời gian hoàn thành thử nghiệm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tiến độ thử nghiệm tuy được đẩy nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn.

Tiền Giang đã từng tham gia nhiều chương trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, hiện tỉnh đang tham gia chương trình thử nghiệm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết và vắc xin phòng bệnh tay chân miệng.

* PV: Việc thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano Covax có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?

* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Đối với Tiền Giang, việc tham gia quá trình thử nghiệm vắc xin nhằm góp phần để Việt Nam có được vắc xin sớm nhất để tiêm cho người dân; chủ động được nguồn vắc xin, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Qua 2 giai đoạn đầu thử nghiệm vắc xin Nano Covax trên người được đánh giá là thành công, người được tiêm sinh kháng thể rất cao. Hiện đang thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin này nên chưa đánh giá được kết quả. Hiện nay, nếu đủ vắc xin Covid-19 cho mọi người dân có chỉ định tiêm chủng, thì Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều (mỗi người tiêm hai mũi tiêm).

Hiện do nhu cầu vắc xin lớn nên nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế. Chưa kể, những thông tin ban đầu cho thấy, các loại vắc xin ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt hay một năm là xong.

Do biến chủng vi rút nhiều, hiệu lực bảo vệ của vắc xin chỉ trong thời gian nhất định, cho nên việc chủ động nguồn vắc xin, nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước được xem là vấn đề an ninh, sức khỏe rất cần thiết.

Do nhu cầu tiêm ngừa, các nhà nghiên cứu đang đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vắc xin Nano Covax. Bên cạnh việc huy động toàn bộ xã hội tham gia cung ứng vắc xin, tăng độ bao phủ tiêm theo hình thức xã hội hóa, thì với nỗ lực đẩy nhanh sản xuất vắc xin, hy vọng Việt Nam có thể đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin, đảm bảo an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.