Biểu tượng đẹp của lòng quả cảm
Bên trong Bệnh viện Dã chiến số 1 (tỉnh Tiền Giang) là tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, một trong những nơi nguy hiểm và vất vả nhất của “mặt trận” không tiếng súng. Nơi đó, hằng ngày những ca từ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…” lại vang lên để động viên, nhắc nhở cùng thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến, từ đó giúp đội ngũ y, bác sĩ luôn siết chặt tay nhau, quyết tâm vượt qua khó khăn, vất vả để chiến thắng đại dịch…
Từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 5-6, tính đến chiều ngày 26-7, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đã vượt mốc 2.000 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca dương tính với SARS-CoV-2 liên tục tăng, tỉnh đã thành lập các Bệnh viện Dã chiến, Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 để nỗ lực điều trị cho bệnh nhân.
TRẮNG ĐÊM TIẾP NHẬN, ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN
Đêm 19-7-2021, cơn mưa lớn kéo dài từ chiều muộn đến khuya. Một, hai…, rồi bốn, năm… ca nhiễm Covid-19 được chuyển đến Cơ sở 2 của Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Tiểu đoàn Ấp Bắc (Trường Quân sự địa phương cũ) để điều trị. Cử nhân điều dưỡng Võ Hồng Phúc Thịnh cho biết, do không chuẩn bị sẵn áo mưa nên anh em điều dưỡng phải lấy túi ni lông cắt ra để thay áo mưa ra nhận bệnh. Khuya, mưa vẫn nặng hạt. Một bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển nặng, buộc phải chuyển viện để điều trị và Phúc Thịnh được phân công chuyển viện cho bệnh nhân...
Cán bộ y tế tận dụng túi ni lông che mưa để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trong đêm. Ảnh: Phúc Thịnh |
Bệnh viện Dã chiến số 1 được thành lập ngay từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ca nhiễm ở Việt Nam, đặt tại Phòng khám Đa khoa Quân dân y (211A, ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành), có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người nghi ngờ, người bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Nhiệm vụ của Bệnh viện Dã chiến số 1 là tổ chức phân loại ngay từ khâu tiếp nhận những người có nguy cơ để đưa vào bệnh viện. Đồng thời, tổ chức thường trực, cấp cứu, điều trị những trường hợp nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu suy hô hấp; đối với ca có dấu hiệu nặng.
Lúc đầu Bệnh viện Dã chiến số 1 chỉ có 50 giường bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng nhanh trong thời gian qua nên tỉnh đã thành lập thêm Cơ sở 2 của Bệnh viện Dã chiến số 1, đặt tại Tiểu đoàn Ấp Bắc. Từ đó Bệnh viện Dã chiến số 1 đã được nâng cấp lên 350 giường, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục nâng quy mô số giường bệnh.
Vì vậy, Ban lãnh đạo bệnh viện đang dự trù kế hoạch, đề xuất trang bị thêm một số máy móc, thiết bị, thuốc men… để bảo đảm việc chăm sóc bệnh nhân ngày càng tăng. Bệnh viện Dã chiến số 1 cũng vừa vận động mạnh thường quân tặng 25 máy SpO2 (máy theo dõi nồng độ oxy máu cho bệnh nhân), là thiết bị quan trọng để theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân nhiễm Covid-19.
TS.BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết: Bệnh viện hiện có khoảng 60 nhân viên y tế, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý, kiểm soát nhiễm khuẩn…, được tăng cường từ các cơ sở y tế trong tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần và các trung tâm y tế của huyện, thành, thị.
Trong những ngày qua, đội ngũ y, bác sĩ, cùng với các lực lượng khác tại Bệnh viện Dã chiến số 1 làm việc không ngơi nghỉ, trắng đêm tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Tất cả đều vì mục đích chung là ứng phó với tình thế cấp bách “chống dịch như chống giặc”, nhằm giữ gìn sức khỏe, sự an toàn cho mọi người dân.
“MẶT TRẬN” KHÔNG TIẾNG SÚNG
TS.BS Đỗ Quang Thành cho biết: Hiện nay, các nhân viên y tế trong Bệnh viện Dã chiến số 1 chia nhau trực theo 3 tua, trung bình mỗi tua trực có 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng và 4 hộ lý. Chỉ với số lượng nhân viên y tế ít ỏi như thế nhưng hằng ngày, đội ngũ thầy thuốc trong bệnh viện phải chăm sóc, điều trị, xử lý lau chùi, phun khử khuẩn bề mặt theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt cho khoảng 350 - 400 bệnh nhân.
Lực lượng y tế khử khuẩn xe cứu thương sau khi vận chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị Covid-19. Ảnh Phúc Thịnh |
Công việc của đội ngũ y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1 hiện đang quá tải, anh em y, bác sĩ phải làm việc cật lực, cố gắng sắp xếp, gồng gánh công việc cho nhau với tinh thần quyết tâm cùng với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng khác trong cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài công việc theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, các nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến số 1 phải phát hiện các triệu chứng xuất hiện, xử trí các diễn biến xảy ra mỗi ngày để điều chỉnh thuốc thích hợp. Đồng thời, các nhân viên y tế còn phải nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây lan, lây nhiễm chéo cho lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly điều trị.
Do nguồn lực còn thiếu nên các nhân viên y tế phải kiêm nhiệm công việc lẫn nhau, đôi khi bác sĩ ngoài khám bệnh còn phải phụ giúp điều dưỡng đi phân chia chỗ nghỉ ngơi cho bệnh nhân, đi nhắc nhở các bệnh nhân tuân thủ quy định trong khoa, phòng. Điều dưỡng đôi khi phải kiêm luôn công việc mang cơm, nước đến tận khoa, phòng hỗ trợ nhân viên hậu cần, làm công tác tư tưởng, an ủi, trấn an tinh thần cho bệnh nhân, phân chia hóa chất hỗ trợ công tác khử khuẩn buồng bệnh, phun xịt khử khuẩn xe ô tô khi ra vào khu cách ly.
Trong môi trường làm việc mà xung quanh toàn là bệnh nhân thì nguy hiểm cũng luôn rình rập, nhân viên y tế có thể nhiễm bệnh nếu xảy ra các sự cố y khoa, từ sự kích động của bệnh nhân hoặc sự cố khách quan. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ phải luôn thận trọng, tỉ mỉ trong việc chăm sóc bệnh nhân; đồng thời, phải tránh để bệnh nhân khó chịu, cáu gắt, việc này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và bản lĩnh của người thầy thuốc. Do tinh thần căng thẳng vì tâm lý lo lắng khi mắc bệnh nên đôi khi bệnh nhân nóng nảy, cáu gắt với chính những bệnh nhân khác ở chung phòng, thậm chí họ còn cáu gắt với cả nhân viên y tế.
Những lúc ấy, nhân viên y tế cũng là người mặc đồ phòng hộ vào tận khoa, phòng bất cứ lúc nào để xử lý, phân tích, trấn an và động viên để bệnh nhân an tâm điều trị. Việc ra vào khoa, phòng bệnh nhân rất nguy hiểm. Lỡ đồ phòng hộ không kín hay bị rách, xước thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao; hay như lan can, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, bàn ghế, sàn nhà, tường, giường nằm… đều có vi rút “ẩn mặt”.
TS.BS Đỗ Quang Thành cho biết, ban đầu khi các nhân viên y tế được điều động đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 cũng có chút lo ngại, băn khoăn, trăn trở, bởi ai cũng có gia đình, người thân, con cái… Vì vậy, họ lo ngại cũng là điều dễ hiểu và cần cảm thông. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, đội ngũ y, bác sĩ được lãnh đạo bệnh viện động viên, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc nên hầu hết đều an tâm công tác, luôn sẵn sàng tiếp nhận điều trị, chăm sóc bệnh nhân như người nhà của mình, dù công việc ngày càng áp lực do số lượng ca nhiễm tăng và chủng vi rút SARS-CoV-2 cũng nguy hiểm hơn.
Bên trong Bệnh việc Dã chiến số 1 - nơi “tuyến lửa” của “mặt trận” không tiếng súng - với nhiều nguy hiểm, vất vả, nhưng đội ngũ y, bác sĩ vẫn không hề nao núng, từng ngày căng mình, cùng siết chặt tay nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch. Khi bài viết này đang hoàn thành, ngoài kia dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp. TS.BS Đỗ Quang Thành nhắn tin cho chúng tôi: Cảm động lắm anh, vì có những bạn nhắn tin, viết đơn xin xung phong ra tuyến đầu, tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến để góp một phần sức lực của mình cùng với đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng trong cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trong cuộc chiến này, “giặc Covid-19” chắc chắn sẽ được đẩy lùi, nhưng những hy sinh thầm lặng, sự cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ cho sự bình yên của cộng đồng sẽ còn lưu lại mãi, khắc sâu trong lòng mọi người như là một biểu tượng đẹp của lòng quả cảm…
NGUYÊN CHƯƠNG