.

Huyện Cái Bè và Tân Phước: Quyết liệt phòng, chống dịch

Cập nhật: 08:54, 20/07/2021 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Cái Bè và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

HUYỆN CÁI BÈ: VỪA CHỐNG DỊCH, VỪA HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN

Tính đến ngày 17-7, huyện Cái Bè đã ghi nhận 131 ca mắc Covid-19 trên địa bàn 14/25 xã, thị trấn. Qua truy vết, toàn huyện xác định có 11 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng; 3.743 F2 và 7.895 người theo dõi sức khỏe tại nhà. Huyện đã thực hiện test nhanh kháng nguyên 5.150 mẫu; xét nghiệm PCR 3.360 mẫu đơn và 4.771 mẫu gộp; thực hiện cách ly y tế tập trung 1.064 người tại 9 điểm cách ly, đã hoàn thành cách ly 203 người.

Người dân ra vào chợ Hòa Khánh được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Người dân ra vào chợ Hòa Khánh được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại cho biết, so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Cái Bè đã có hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị16 của Thủ tướng Chính phủ. Đa số người dân của huyện đều đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm các quy định của Chỉ thị 16. Đồng thời, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được huyện tập trung quyết liệt.

Theo đó, toàn huyện đã thành lập 1.531 Tổ Covid cộng đồng với 3.851 thành viên hoạt động xuyên suốt từ đầu mùa dịch đến nay. Công tác cách ly, theo dõi sức khỏe, xét nghiệm đối với người về từ TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành khác được huyện theo dõi sâu sát và qua xét nghiệm đã có 584 người từ địa phương khác về huyện cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Huyện Cái Bè đã cho dừng  hoạt động của các chợ tạm, chợ tự phát, các điểm mua bán hàng rong, điểm kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu như điện máy xanh, cửa hàng kinh doanh điện thoại, điện máy... Còn đối với chợ truyền thống, trên địa bàn huyện hiện có 35 chợ đang hoạt động trên địa bàn 25 xã, thị trấn; trong đó có 5 chợ hạng 2 huyện đang quản lý. Hiện các chợ vẫn hoạt động ổn định. Trong thời gian tới, huyện sẽ chuẩn bị phương án test nhanh cho tiểu thương ở 4 chợ gồm: Cổ Cò (428 tiểu thương), An Hữu (350 tiểu thương), An Bình (80 tiểu thương) và An Thái (55 tiểu thương).

Với hoạt động của doanh nghiệp, huyện đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các đơn vị ngành tỉnh có liên quan triển khai đến các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp An Thạnh thực hiện xây dựng phương án “3 tại chỗ”; các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch. Đối với các doanh nghiệp ngoài cụm công nghiệp có trên 50 lao động, huyện cũng đã thẩm tra phương án “3 tại chỗ” cho 2 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại đã tạm nghỉ.

Với doanh nghiệp có dưới 50 lao động, huyện đã khẩn trương rà soát, tổng hợp số lượng công nhân, lao động tại các doanh nghiệp và yêu cầu 100% công nhân, lao động thực hiện xét nghiệm tầm soát bệnh Covid-19; đồng thời, triển khai xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nghỉ và làm việc cho công nhân, lao động tại doanh nghiệp theo phương châm “3 tại chỗ”...

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, huyện Cái Bè còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của mọi tầng lớp nhân dân. Trong gần 1 tháng qua, đã có hàng ngàn suất quà, suất ăn miễn phí do các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ… được chuyển đến người dân trong những khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn huyện.

Các đoàn thể của huyện như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... đã hỗ trợ tham gia công tác hậu cần; tặng hàng ngàn khẩu trang y tế, găng tay y tế phục vụ cho các lực lượng phòng, chống dịch; đồng thời, tặng quà nhu yếu phẩm, đi chợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, khu phong tỏa thông qua các đội hình tình nguyện.

HUYỆN TÂN PHƯỚC: PHÒNG, CHỐNG DỊCH NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO SẢN XUẤT

Huyện Tân Phước đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh, huyện Tân Phước đang áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND các xã, thị trấn của huyện đã triển khai những quy định về thực hiện Chỉ thị 16 đến từng hộ dân và có 100% hộ dân cam kết thực hiện các quy định của chỉ thị.

Điểm test nhanh tầm soát Covid-19 tại ngã 5 Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước).
Điểm test nhanh tầm soát Covid-19 tại ngã 5 Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước).

Huyện đã thành lập 53 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 (cấp huyện 6 chốt và cấp xã 47 chốt) với 475 thành viên túc trực để kiểm soát người và phương tiện qua lại địa bàn. Trong đó, có 2 chốt kiểm soát xã Phú Mỹ và ngã 5 Bắc Đông (xã Thạnh Mỹ) là địa bàn giáp ranh với tỉnh Long An, mỗi ngày có khoảng từ 500 - 700 lượt người qua lại địa bàn (chủ yếu là công nhân ở tỉnh Long An vào huyện Tân Phước làm việc, sáng đi, chiều về).

Do đó, 2 chốt kiểm soát này đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch và chỉ cho người ngoài tỉnh có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hạn trong 3 ngày (kể từ ngày xét nghiệm) được qua chốt. Đối với những người không có giấy chứng nhận thì sẽ được thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại chốt, nếu kết quả âm tính thì sẽ được qua chốt.  

Cùng với đó, UBND huyện cũng đã lập 1 Tổ tuần tra kiểm soát lưu động cùng với 28 tổ cấp xã thường xuyên kiểm tra để kịp thời nhắc nhở và xử lý các trường hợp người dân vi phạm việc giãn cách xã hội. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, trên tinh thần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện ban hành nhiều công văn triển khai, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến cơ sở.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện thành lập nhiều tổ công tác và phân công thành viên Ban Chỉ đạo huyện xuống địa bàn các xã, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn; thực hiện tốt công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế tập trung và quản lý các trường hợp cách ly tại nhà; tăng cường tuyên truyền thông tin kịp thời, chính xác để người dân an tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành...

Mặc dù gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện Tân Phước vẫn diễn ra bình thường, nhất là sản xuất nông nghiệp. Người dân vẫn ra đồng làm việc, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản nhưng đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội cũng được UBND huyện Tân Phước đảm bảo. Hiện nay, huyện có khoảng 15.000 ha khóm, trong đó có gần 1.600 ha đang thu hoạch với sản lượng ước đạt 550 tấn.

Do thực hiện giãn cách xã hội nên nhân công thu hoạch khóm từ nơi khác đến huyện trở nên hạn chế, dẫn đến việc thu hoạch nông sản, nhất là khóm trong thời điểm này có phần khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động thu mua khóm của các thương lái cũng như các điểm thu mua, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vẫn diễn ra. Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Phước, mỗi ngày có khoảng 50 cơ sở (ngày thường từ 70 - 80 cơ sở) thu mua từ 15 - 20 tấn khóm, giá bán tại ruộng từ 3.000 - 5.500 đồng/kg, tùy loại khóm.

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, cho biết: “UBND huyện luôn tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch và người mua, tiêu thụ nông sản đến địa bàn huyện theo quy định chung của tỉnh. Đồng thời, UBND huyện cũng phối hợp với Sở Công thương, HTX, các siêu thị... tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa lưu thông thông suốt”.

Hiện tại, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước vẫn đảm bảo, Khu công nghiệp Long Giang, Cụm công nghiệp Minh Hưng vẫn hoạt động. Huyện có 13 cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số 2.673 công nhân, lao động. Các cơ sở sản xuất này đang xây dựng phương án sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “3 tại chỗ”, được thẩm định theo phân cấp để đảm bảo sản xuất và an toàn cho công nhân.

P. CÔNG - C. THẮNG

.
.
.