Thương lắm! Các chiến sĩ tuyến đầu
(ABO) Gần 2 tháng qua, mùa hè nắng nóng cũng là lúc dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Tiền Giang. Đây là đợt dịch lớn nhất, lây lan mạnh, phức tạp, khó lường nhất từ trước tới nay mà nước ta phải đối mặt. Tại các cơ sở y tế, luôn bắt gặp những hình ảnh nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ vội vàng lấy nhiệt độ, hướng dẫn khai báo y tế, lấy mẫu, xét nghiệm, cấp cứu ban đầu, hay điều trị bệnh nhân Covid- 19 ở các bệnh viện dã chiến…
Trong cuộc chiến chống dịch nhiều cam go, hiểm nguy đó, nhưng các “chiến sĩ tuyến đầu” với tinh thần chống dịch kiên cường, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh, mang lại sự bình yên cho người dân.
LÁ CHẮN Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG TÂM
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình thăm khám, điều trị tại bệnh viện. Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang nhắc nhở thường xuyên trong giao ban hằng ngày: “Công tác, phân luồng, xét nghiệm, sàng lọc có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp bệnh viện bảo vệ được bệnh nhân và nhân viên y tế, đảm bảo nguồn lực tham gia phòng, chống dịch”.
Các nhân viên y tế luôn "kín mít" dưới cái nóng mùa hè để phục vụ bệnh nhân. |
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ sàng lọc đã xác định rõ, nếu để ca mắc Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện sẽ rất nguy hiểm, khó kiểm soát. Do đó, công tác phân luồng, sàng lọc được thực hiện nghiêm ngặt, không để sót đối tượng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 mà không được giám sát, cách ly kịp thời. Các nhân viên nơi đây phải có mặt từ 5 giờ sáng đến tận 21-22 giờ tối với công việc khá vất vả và bận rộn dù trời nắng nóng và oi bức. Nhưng các nhân viên y tế vẫn kiên nhẫn trong bộ đồ bảo hộ, để đo nhiệt độ, khai báo y tế, sàng lọc, phân luồng, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát bệnh Covid-19 cho bệnh nhân và thân nhân khi đến bệnh viện, nhằm chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giúp bệnh viện duy trì hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; người dân yên tâm đến khám, điều trị bệnh.
CẤP CỨU TRONG MÙA DỊCH
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên khám, chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người dân. Bệnh viện đã có nhiều biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Khoa Cấp Cứu là tuyến đầu điều trị bệnh nhân của một bệnh viện. Với đặc thù của công việc là cấp cứu ban đầu. Nhưng trong mùa dịch lại thêm công tác sàng lọc, không để bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19 lọt vào bệnh viện, nên các y, bác sĩ ở đây không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà còn phải tập trung cao độ trong việc sàng lọc phát hiện ra ca nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời, tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh.
Tiếp nhân cấp cứu bệnh nhân ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. |
Những ngày hè nắng nóng này, khi đến cấp cứu, chúng ta càng thấy thương hơn các y, bác sĩ ướt đẫm mồ hôi nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ, khát mà không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi tiểu sẽ rất bất tiện. Thế mà họ vẫn luân phiên nhau làm việc ngày đêm với nhiều áp lực và sự căng thẳng ở nơi tuyến đầu chống dịch.
Dẫu biết rằng nghề nghiệp của y, bác sĩ là thế. Nhưng mọi người trong chúng ta khi nhìn thấy hình ảnh này thì ít nhiều cũng cảm động trước sự hy sinh thầm lặng, không ngại những hiểm nguy, gian khổ của các y, bác sĩ tuyến đầu của bệnh viện đã nỗ lực đang quên mình chống dịch. Những sẻ chia, cảm thông, trân trọng từ người dân dành cho các “chiến sĩ áo trắng” nơi đây như đang tiếp thêm lửa để các chiến sĩ vững tin nơi tuyến đầu chống dịch.
TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Hơn nửa đêm, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả tổ công tác bao gồm lãnh đạo Sở Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, bác sĩ trực cấp cứu và có cả những bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh (về hỗ trợ) đến ngay Bệnh viện Dã chiến số 2 của tỉnh Tiền Giang để hội chẩn tình huống nặng. Có mặt hôm đó, đã tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sĩ áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ.
Với những ca bệnh Covid-19 nặng phải đặt nội khí quản, thở máy, hút đàm, đặt ống nuôi ăn, ống thông tiểu… và phải theo dõi, chăm sóc túc trực ngày đêm, để giành lại sự sống cho người bệnh. Tôi đã thật sự xúc động trước những hình ảnh các y, bác sĩ nơi đây có lúc phải ăn ngủ vật vờ, với vẽ mặt đờ đẫn, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt khó có thể nói hết được... Nhưng họ vẫn tận tụy bên giường bệnh ngày đêm, hết lòng cứu chữa người bệnh, không ngại hiểm nguy trong thực hiện nhiệm vụ điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2. |
Công việc hằng ngày của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 2 không chỉ là thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng, tiêm, truyền dịch, hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị, cách ly... mà còn phải kiêm luôn nhiệm vụ của người thân, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân hằng ngày, từ những nhu cầu nhỏ nhất.
Có bệnh nhân nằm một chỗ không tự vệ sinh cá nhân được (do di chứng tai biến mạch máu não), nên các y bác sĩ ở đây phải cho ăn, tắm rửa, vệ sinh thay tả hằng ngày thay thế người nhà. Mặc dù họ vẫn biết, ở tuyến đầu đó, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng với ý chí kiên cường vượt qua mọi nguy hiểm, các nhân viên y tế luôn nỗ lực, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh mau bình phục.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các “chiến sĩ áo trắng” chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh thân thương của những nhân viên y tế phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh; hay những khoảnh khắc, hành động cao đẹp của những “chiến sĩ áo trắng” trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, nhưng vẫn quyết chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng...
CHUNG SỨC, CHUNG LÒNG ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH.
Khi đặt bút cho những dòng đầu tiên của bài viết này, tôi tự nhủ lòng mình không bao giờ được quên những cán bộ, nhân viên dẫu không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, nhưng lại là lực lượng “tiên phong” trên mặt trận chống dịch Covid-19. Cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch còn có Y tế Dự phòng, Đoàn Thanh niên, Quân đội, Công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm dãi nắng dầm mưa, không ngại khó khăn, gian khổ để truy vết thần tốc, khoanh vùng, kiểm soát, canh gác các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, phục vụ hàng ngàn người cách ly tập trung… Với mọi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Không thể kể hết được những công sức, sự đóng góp của từng người, từng ngành nghề nơi tuyến đầu chống dịch. Với sự cống hiến âm thầm, sự lăn xả, hy sinh của các “chiến sĩ tuyến đầu” vì nhân dân, vì sức khỏe cộng đồng thật thiêng liêng và cao quý biết bao. Hy vọng làn sóng dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc.
Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh. Vì vậy, tất cả các lực lượng, đã cùng chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi tin rằng sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ tuyến đầu” sẽ góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, mang lại sự bình yên cho mỗi người dân, mỗi gia đình và cho cả cộng đồng.
BS CKII LÊ THÚY PHƯỢNG