Vượt mốc 70 nghìn ca Covid-19, Việt Nam phải giữ vững mặt trận điều trị
Phải giữ cho được mặt trận điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong là mục tiêu mà ngành y tế đặt ra trước tình hình dịch lan rộng, khi số ca nhiễm đã nhanh chóng leo qua mốc 70 nghìn.
Nâng cao năng lực hồi sức cho các tỉnh, thành phố
Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra ở diện rộng, bệnh nhân tăng cấp số nhân, số ca trở nặng gia tăng tạo áp lực lớn cho công tác điều trị. 10 ngày trước, Việt Nam mới vượt qua mốc 30 nghìn ca nhiễm và giờ đây, con số này hơn đã vượt qua mốc 71 nghìn. Riêng số ca nhiễm đợt dịch thứ tư là hơn 67 nghìn ca.
Cả nước hiện có gần 60 nghìn bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 123 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 18 ca nguy kịch phải can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Các tỉnh, thành phố phía nam đang phải chịu gánh nặng lớn từ công tác điều trị khi tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ ô-xy, ô-xy mask, ô-xy dòng cao (HFNC), ECMO... ngày càng tăng. Riêng tại tâm dịch nóng nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh luôn vượt 4.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở ô-xy, thở máy cũng tăng lên.
Bệnh viện Hồi sức tích cực Covid-19 TP Hồ Chí Minh là tuyến cao nhất điều trị các trường hợp nặng, nguy kịch. |
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 370 tử vong, trong đó riêng số ca tử vong trong đợt dịch thứ tư là hơn 200 ca. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ tử vong Việt Nam hiện giờ khoảng 0,5% và còn cao hơn nữa ở một số địa phương. Tỷ lệ này đang gia tăng, tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới nên đòi hỏi phải tập trung hơn nữa cho công tác điều trị bệnh nhân nặng.
Xác định nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố phía nam cần một trung tâm lớn điều trị bệnh nhân nặng, Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt.
Đây là cơ sở điều trị những bệnh nhân nặng nhất và mục tiêu ngành y tế đặt ra là phải “giữ cho bằng được mặt trận này”. Vì thế, Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố.
Bộ Y tế đã kêu gọi hàng nghìn cán bộ y tế cùng "chia lửa" với chiến tuyến nóng bỏng tại các tỉnh, thành phố phía nam ở trên nhiều mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị, tiêm chủng. Tại tuyến đầu điều trị, hàng nghìn chiến sĩ áo trắng vẫn đang làm việc gấp 2, 3 lần sức lực, chiến đấu ngày đêm vì sự sống của người bệnh.
Để đối phó với diễn biến dịch phức tạp, tăng nhanh ca bệnh nặng, Bộ Y tế cũng đã ttính đến tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng với đề án xây dựng 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền.
Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, thành lập 7 bộ phận thường trực và một Bộ phận thường trực chính tại TP Hồ Chí Minh, cùng với địa phương chỉ đạo sát sao với công tác phòng, chống dịch tại địa phương, liên tục rà soát hướng dẫn về mặt chuyên môn, những vấn đề về kỹ thuật, chỉ đạo các địa phương các phương án có thể đối phó dịch bệnh lan rộng. |
5 trung tâm này được đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP Hồ Chí Minh (tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh).
Mỗi trung tâm sẽ có từ 500-1.000 giường bệnh. Ngoài ra, có gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi bệnh viện từ 50-100 giường bệnh.
Phát huy hiệu quả mô hình điều trị tháp "4 tầng"
Tháng 5, khi dịch diễn ra phức tạp tại Bắc Giang, ngành y tế đã lần đầu tiên triển khai chiến lược điều trị tháp "3 tầng" để đáp ứng với số bệnh nhân tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nhờ chiến lược này, ngành y tế đã phân loại được bệnh nhân về các bệnh viện để tập trung nguồn lực điều trị cho các ca bệnh nặng.
Trong làn sóng dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam ở thời điểm hiện tại, số ca mắc mới được ghi nhận ở mức 4.000 - 5.000 ca mỗi ngày, áp lực điều trị lại càng lớn, mô hình điều trị “tháp 4 tầng” đã ra đời với sự bổ sung tầng hồi sức tích cực để tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Bước đi kịp thời và phù hợp với tình tình thực tế này của ngành y tế đã giúp cho các bệnh viện dã chiến tập trung được các chuyên môn điều trị theo từng tình trạng mắc Covid-19 của bệnh nhân từ nhẹ đến nặng. Dựa trên mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị Covid-19 cùng các kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, bác sĩ đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch với chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”.
Hiệu quả từ mô hình điều trị tháp "4 tầng", giữ vững mặt trận điều trị bệnh nhân Covid-19. |
Tư lệnh ngành y tế nhận định: “Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nặng”.
Theo chuyên gia của Bộ Y tế, các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng nếu được kịp thời thở ô-xy dòng cao chủ động thì sẽ có khoảng 70% bệnh nhân chuyển độ về nhẹ. Do đó việc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng.
Bộ Y tế cũng đã có sự chuyển hướng lớn trong vấn đề xét nghiệm. Nếu trước đây chủ yếu dùng RT-PCR là chính thì với tốc độ lây nhiễm chu kỳ chỉ 2 ngày của biến thể Delta, Bộ Y tế nhận định phải sử dụng test nhanh là chính, giảm thời gian, tối ưu hóa việc xét nghiệm, trả kết quả thật nhanh để đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.
Cùng với các địa phương đang quyết liệt triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đang dốc toàn bộ sức lực với những nhân lực thiện chiến nhất, những trang thiết bị kịp thời nhất để giữ vững cho tuyến điều trị với mục tiêu rất rõ ràng "Không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong".
(Theo nhandan.vn)