Chủ Nhật, 08/08/2021, 10:16 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phải tăng tốc độ tiêm vắc xin lên gấp 15 - 20 lần so với hiện tại

(ABO) Đây là chỉ đạo của Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các bệnh viện tuyến tỉnh; trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương phải nhanh chóng tiêm hết các vắc xin phòng Covid-19 đã được phân bổ trong thời gian ngắn nhất để tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong đang tăng rất nhanh. Bộ Y tế cũng cảnh báo, địa phương nào có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ bị điều động vắc xin đã phân bổ sang địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn. 

TIẾN ĐỘ TIÊM VẮC XIN QUÁ CHẬM

Dự kiến đến cuối năm 2021, Tiền Giang sẽ được Bộ Y tế phân bổ hơn 2,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại. Qua đó, tỉnh phải tổ chức chiến dịch tiêm từ 20.000 đến 30.000 liều mỗi ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật) thì mới đáp ứng kịp thời gian cho số vắc xin được phân bổ (khoảng 4 - 5 tháng).

Qua theo dõi và quản lý mỗi ngày, mặc dù Sở Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, nhưng hiện nay, trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã, tiến độ tiêm vắc xin vẫn quá chậm, chỉ từ 2.000 đến 5.000 liều mỗi ngày (ngày cao nhất chỉ đạt 8.000 liều rồi lại giảm xuống), không thể đáp ứng yêu cầu và chỉ đạo phải tăng tốc độ lên gấp 15 - 20 lần so với hiện tại.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19
Tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Do đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện khẩn trương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Chính vì thế, các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị… Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Bố trí thêm bàn tiêm, điểm tiêm để tăng số lượng tiêm chủng sao cho mỗi ngày lên gấp 15 - 20 lần so với hiện tại.

CẦN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐỂ TĂNG TỐC

Để thực hiện tiêm chủng nhanh, đảm bảo an toàn, Sở Y tế yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân điền Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp. Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.

Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị. Riêng tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

CDC bảo quản và cấp vắc xin cho điểm tiêm chủng
Trung tâm Kiểu soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang bảo quản và cấp vắc xin cho điểm tiêm chủng.

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì phối hợp các cơ sở y tế trong tỉnh (kể cả y tế ngoài công lập) thực hiện khẩn trương công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Phân bổ chỉ tiêu vắc xin đến từng huyện, thành phố, thị xã để tuyến huyện chủ động lập kế hoạch tiêm khẩn trương. 

Thực tế thơi gian qua, công tác tiêm vắc xin của tỉnh có chậm, một phần nguyên nhân là do lực lượng y tế của tỉnh rất mỏng lại đang bị căng kéo để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh thường xuyên. Để đáp ứng nhân lực phục vụ cho các hoạt động, Sở Y tế đã huy động nguồn nhân lực trong ngành Y tế, kể cả sinh viên chuyên ngành sức khỏe tham gia hỗ trợ.

Hiện tại, các địa phương vừa đang tiến hành lập danh sách người trong diện tiêm chủng trên địa bàn, vừa huy động nguồn lực phục vụ tiêm chủng cần thiết. Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Mỹ Tho đã kêu gọi cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu và cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố tham gia lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ công tác tiêm vắc xin. Với công việc cần hỗ trợ như đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, tiêm vắc xin, theo dõi sau tiêm. Hiện nay, một số xã, phường của TP. Mỹ Tho đã huy động được lực lượng và đang tiến hành tiêm chủng, tập huấn cho tình nguyện viên trước khi thực hiện nhiệm vụ. 

Theo quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-2021 sẽ triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng cho nhân dân TP. Mỹ Tho.

THỦY HÀ

.
.
.