.

5K cộng với vắc xin là sức mạnh đẩy lùi Covid-19

Cập nhật: 09:45, 22/09/2021 (GMT+7)

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có chiều hướng giảm, thể hiện qua tổng số F0 phát hiện trong cộng đồng và qua ghi nhận F0 hằng ngày đã giảm so với con số bình quân của 15 ngày trước. Tuy nhiên, thành quả khống chế và đẩy lùi dịch bệnh của Tiền Giang vẫn chưa ổn định. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chỉ có vắc xin kết hợp với 5K mới tạo thành hợp lực đủ mạnh để đẩy lùi dịch Covid-19 một cách hiệu quả và bền vững.

MỖI NGƯỜI DÂN CẦN CÓ Ý THỨC PHÒNG BỆNH

Theo đánh giá của Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, thời gian qua, bên cạnh những kết quả khả quan, thì công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn những mặt tồn tại và hạn chế. Đó là, vẫn còn một số người dân đi lại, chưa tuân thủ nghiêm ngặt Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian thực hiện chiến dịch xét nghiệm Covid-19 cộng đồng.

Tiêm vắc xin sớm để được bảo vệ trước dịch Covid-19.
Tiêm vắc xin sớm để được bảo vệ trước dịch Covid-19.

Việc cấp giấy cho người dân đi lại giữa các vùng tại địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 chưa được kiểm soát. Hoạt động giám sát đối tượng thuộc các diện lấy mẫu xét nghiệm chưa chặt chẽ, một số ít người dân chưa hiểu mục đích của việc làm này nên né tránh thực hiện.

Một số ổ dịch trên địa bàn có nguyên nhân từ tài xế ngoài tỉnh đến Tiền Giang để thu mua hàng hóa hoặc tài xế trong tỉnh vận chuyển hàng hóa đến vùng có dịch mặc dù có giấy chứng nhận âm tính trong vòng 3 ngày. Đặc biệt, có sự giao lưu, đi lại giữa các hộ dân trong các khu vực phong tỏa cũng như sự giao lưu, ăn uống, sinh hoạt giữa các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Bác sĩ Trần Thanh Thảo nhấn mạnh, những thành quả từ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, của ngành Y tế và cả xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoàn toàn có thể “đổ sông, đổ biển”, nguy cơ bùng phát dịch nếu vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức, không tự giác, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành Y tế, thậm chí cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch (trốn cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế...).

“Những ngày qua, tại huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho đã ghi nhận thêm ca bệnh mới bùng phát trong cộng đồng, nguyên nhân khởi phát được cơ quan chức năng xác định từ người bệnh thiếu ý thức phòng bệnh cho cộng đồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, trong đó cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, với mục đích giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19” - Bác sĩ Trần Thanh Thảo cho biết thêm.

HÃY TIÊM VẮC XIN KHI ĐẾN LƯỢT   

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho rằng, đối với các bệnh truyền nhiễm do vi rút thì vắc xin là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Vắc xin Covid-19 đã được cấp phép lưu hành là an toàn, vì đã được phát triển bằng những nghiên cứu khoa học, trải qua tất cả các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng.

Vắc xin Covid-19 có hiệu quả giúp bảo vệ con người và chống sự lây lan của vi rút gây bệnh Covid-19; đồng thời, giúp chúng ta không mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm Covid-19. Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn so với các biến thể trước đó của vi rút gây bệnh Covid-19. Biến thể Delta có thể gây tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng vi rút trước đây ở những người chưa được tiêm chủng. Vắc xin vẫn tiếp tục làm giảm nguy cơ nhiễm chủng vi rút gây bệnh Covid-19 ở người, bao gồm cả biến thể này.

Hiện nay, trên thế giới có 17 vắc xin được lưu hành, trong đó có 7 loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép khẩn cấp. Tại Việt Nam, các loại vắc xin Covid-19 lưu hành đều đã được WHO cấp phép. Trong đó, tại Tiền Giang, việc tiêm vắc xin Covid-19 được tiến hành từ tháng 5-2021 đến nay, với 4 loại vắc xin sử dụng gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm, với số lượng vắc xin được phân bổ của mỗi loại khác nhau.

Các vắc xin được cấp đều có chỉ định chỉ dùng cho người từ 18 tuổi trở lên. Toàn tỉnh có gần 1,5 triệu người từ 18 tuổi trở lên, đến thời điểm ngày 12-9 tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ có 18% người được tiêm mũi 1 và 1,6% người được tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19. Trong khi đó, Tiền Giang là tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao đứng hàng thứ 5 cả nước, do số lượng vắc xin được trên phân bổ còn thấp.

Do đó, Sở Y tế và UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản kiến nghị Trung ương phân bổ thêm vắc xin Covid-19. Đến nay, tỉnh đã được phân bổ thêm hơn 303 ngàn liều vắc xin, trong đó có 100 ngàn liều vắc xin AstraZeneca và 203 ngàn liều vắc xin Sinopharm. Với nguồn vắc xin vừa tiếp nhận, tỉnh đã phân bổ về các địa phương và tiến hành tiêm cho dân.

Theo kế hoạch của Sở Y tế Tiền Giang, với 100 ngàn liều vắc xin AstraZeneca, tỉnh phân bổ trên 37 ngàn liều để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 loại vắc xin này; gần 63 ngàn liều còn lại phân bổ để tiêm mũi 1 cho người dân theo chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng tại TP. Mỹ Tho và các địa phương tiêm cho người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, phụ nữ đang cho con bú, giáo viên và các đối tượng khác.

Đối với 203 ngàn liều vắc xin Sinopharm, Tiền Giang sẽ ưu tiên tiêm cho toàn bộ đối tượng là công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, công nhân tại các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp và các hợp tác xã trong tỉnh; lượng vắc xin còn lại sẽ tiêm cho người dân. Hiện nay, TP. Mỹ Tho đã hoàn tất tiêm 10 ngàn liều vắc xin được phân bổ đợt 1 cho 10 ngàn công nhân trong tổng số 32 ngàn công nhân trên địa bàn. Các địa phương còn lại đang triển khai thực hiện kế hoạch tiêm cho công nhân.

UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 quy mô lớn, với phương châm tiêm vắc xin thần tốc (kể cả ban đêm), tiêm ngay khi có vắc xin, có vắc xin bao nhiêu tổ chức tiêm hết bấy nhiêu để nhanh chóng tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn quản lý.

Nói về vấn đề này, Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn khuyến cáo mỗi người dân nên tiêm vắc xin khi đến lượt nhằm sớm được bảo vệ trước dịch Covid-19. Bác sĩ Ngạn cũng lưu ý, tất cả các loại vắc xin đều không thể bảo vệ người tiêm 100%, do đó mỗi người dân cần nâng cao ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh bằng cách tuân thủ khuyến cáo 5K và chủ động tiêm vắc xin khi đến lượt, sẽ góp sức trở thành “lá chắn thép” ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.

THỦY HÀ

.
.
.