Việc chậm trễ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 trong một khoảng thời gian nhất định không ảnh hưởng đến việc duy trì hiệu quả của vắc xin
(ABO) Hiện tại, nhiều người dân đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất lo lắng vì đã quá thời gian khuyến cáo tiêm nhắc mũi 2 nhưng vẫn chưa được tiêm. Vì sao lại chậm tổ chức tiêm vắc xin mũi 2, việc tiêm mũi 2 muộn so với khuyến cáo có làm mất tác dụng phòng bệnh của mũi 1 hay không và có phải tiêm vắc xin lại từ đầu hay không? Thắc mắc và lo lắng này của người dân được Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK 2) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang giải thích.
BSCK 2 Lê Đăng Ngạn khẳng định khi tiêm mũi 2 trễ, hiệu giá kháng thể vẫn tồn tại mặc dù có giảm và sẽ gia tăng sau khi tiêm. Việc chậm trễ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 trong một khoảng thời gian nhất định không ảnh hưởng đến việc duy trì hiệu quả của vắc xin và không phải tiêm lại từ đầu. |
* PHÓNG VIÊN (PV): Thưa bác sĩ, để phòng Covid-19 vì sao chúng ta phải tiêm 2 mũi vắc xin? Đối với người đã tiêm 1 mũi thì hiệu quả bảo vệ như thế nào?
* BSCK 2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có 8 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vắc xin được phê duyệt sử dụng hiện nay gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là Moderna), Janssen, Hayat-Vax và Abdala.
Mỗi loại vắc xin Covid-19 sẽ có những cơ chế miễn dịch khác nhau. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là giúp cơ thể kích thích hệ miễn dịch để phòng, chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, tiêm vắc xin còn có thể làm giảm đi những triệu chứng nặng đối với người đã nhiễm bệnh.
Hầu hết các loại vắc xin Covid-19 hiện nay cần được tiêm 2 mũi cách nhau vài tuần. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm mũi 1 và sẽ giảm dần xuống đến mức thấp nhất. Khi đó tiêm mũi 2 sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ, giúp bảo vệ mạnh hơn, kéo dài hơn. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi người hãy tiêm mũi 2 theo đúng lịch.
Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc xin là khác nhau. Cụ thể, vắc xin AstraZeneca từ 8 - 12 tuần, vắc xin Pfizer là 3 tuần, vắc xin Moderna là 28 ngày, vắc xin Sputnik V là 3 tuần và vắc xin của Sinopharm từ 3 - 4 tuần. Theo công bố của nhà sản xuất, hiệu quả của vắc xin có khác nhau tùy từng loại, AstraZeneca là 70%, Moderna là 92%, Pfizer là 95%, Sputnik V là 91,6%, Sinopharm là 78% sau 2 mũi tiêm.
Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay, việc tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế tại Tiền Giang, số lượng vắc xin được cấp từng đợt từ Bộ Y tế rất hạn chế, không đủ trả mũi, thời gian chậm trễ so với lịch tiêm mũi 2 theo khuyến cáo.
Người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. |
* PV: Hiện nay, nhiều người dân đang hết sức lo lắng vì đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna phòng Covid-19 đã hơn 6 tuần nhưng vẫn chưa được tiêm nhắc mũi 2. Xin bác sĩ cho biết việc tiêm mũi 2 trễ hơn so với khuyến cáo có làm ảnh hưởng tới hiệu quả phòng Covid-19 của vắc xin hay không?
* BSCK 2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Bộ Y tế đã phân bổ cho Tiền Giang số vắc xin Moderna là 98.386 liều, với lượng vắc xin này tỉnh đã sử dụng tiêm mũi 1 cho người dân, sau đó nguồn vắc xin này không còn nữa để phân bổ tiếp cho Tiền Giang.
Chúng ta đã biết hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm mũi 1 và sẽ giảm dần xuống đến mức thấp nhất. Sau khi tiêm mũi 2 sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ, giúp bảo vệ mạnh hơn, kéo dài hơn.
Khi tiêm mũi 2 trễ, hiệu giá kháng thể vẫn tồn tại mặc dù có giảm và sẽ gia tăng sau khi tiêm. Việc chậm trễ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 trong một khoảng thời gian nhất định không ảnh hưởng đến việc duy trì hiệu quả của vắc xin và không phải tiêm lại từ đầu.
Tuy nhiên, việc tiêm mũi 2 sẽ trễ so với lịch tiêm theo khuyến cáo, người dân vẫn có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc người bệnh, nguồn lây. Do đó, trong khi chờ đợi được tiêm vắc xin mũi 2, mọi người cần lưu ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
* PV: Xin bác sĩ cho biết, trong điều kiện nguồn cung vắc xin Moderna hạn chế, tỉnh sẽ có phương án tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin này như thế nào?
* BSCK 2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Do thiếu vắc xin Moderna từ nguồn cung cấp, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm trả mũi 2 bằng vắc xin Pfizer đối với những người đã được tiêm vắc xin Moderna và cả AstraZeneca khi người dân đồng ý sau khi đã được tư vấn. Lịch tiêm mũi 2 sẽ theo lịch tiêm của loại vắc xin tiêm mũi 1 trước đó. Hiện nay, nhu cầu vắc xin Pfizer để trả mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna tại Tiền Giang là 90.836 liều cần được Bộ Y tế phân bổ sớm để tiêm vì đã quá thời gian quy định.
* PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và người dân đã tiêm mũi 1 nhưng chưa được tiêm nhắc mũi 2?
* BSCK 2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Do hiệu quả bảo vệ của vắc xin không là 100% dù khi đã tiêm đủ 2 mũi, nên người dân vẫn cần tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp 5K phòng, chống Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)