.

TS-BS Nguyễn Hùng Vỹ: Gia đình là môi trường thuận lợi để F0 được chăm sóc tốt

Cập nhật: 21:00, 16/09/2021 (GMT+7)

(ABO) Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 (F0) nhẹ, không có triệu chứng tại nhà là việc làm phù hợp. Phương án triển khai thực hiện như thế nào, cách theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà ra sao là vấn đề đang được mọi người quan tâm. Tiến sĩ - Bác sĩ (TS-BS) Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch Hội Y học Tiền Giang trao đổi về vần đề này.

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hùng Vỹ giới thiệu quy trình chăm sóc điều trị F0 tại nhà ở TP. Mỹ Tho
TS-BS Nguyễn Hùng Vỹ giới thiệu quy trình chăm sóc điều trị F0 tại nhà ở TP. Mỹ Tho.

* Phóng viên (PV): Hội Y học tỉnh là đơn vị phối hợp với TP. Mỹ Tho thực hiện phương án triển khai F0 tại nhà. Vậy tầm quan trọng của phương án triển khai F0 tại nhà là gì, thưa bác sĩ?

* TS-BS Nguyễn Hùng Vỹ: Lãnh đạo các cấp đều khẳng định rằng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên số lượng người mắc Covid-19 còn nhiều. Do đó, vấn đề hiện nay là làm sao giảm số lượng F0, giảm bệnh nhân nặng và tử vong.

Nếu chúng ta muốn giảm tỷ lệ tử vong thì phải chăm sóc người bệnh thật tốt. Muốn chăm sóc tốt thì phải giảm số lượng F0 vào bệnh viện để giảm quá tải cho cơ sở điều trị.

Kế hoạch chăm sóc F0 tại nhà có giá trị rất quan trọng. Có thể nói, nó giảm đến 80% lượng người cần chăm sóc tại bệnh viện. Do đó, cán bộ y tế trong bệnh viện chỉ chăm sóc khoảng 20% bệnh nhân thôi nên việc chăm sóc sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Điều này góp phần quan trọng đến kết quả giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Điều đặc biệt nữa là nó có tác động tâm lý trên toàn xã hội là mọi người cảm thấy yên tâm, không quá lo lắng khi chẳng may bản thân trở thành F0. Đây là vấn đề tâm lý quan trọng để cộng đồng có thể yên tâm vui sống được. Gia đình là môi trường thuận lợi để F0 được chăm sóc tốt, được chia sẻ, yên tâm, bớt trầm cảm, lo lắng.

* PV: Việc triển khai thực hiện phương án chăm sóc, điều trị F0 tại nhà được Hội Y học tỉnh triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?

* TS-BS Nguyễn Hùng Vỹ: Hiện nay, chúng ta có hệ thống y tế rất hoàn chỉnh. Một số trạm y tế đã triển khai mô hình y học gia đình, một mô hình tiên tiến của thế giới. Đối với các trạm y tế khác, chúng tôi cũng đã tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm y học gia đình từ rất lâu rồi. Mùa dịch bệnh này là thời điểm để mô hình y học gia đình phát huy hiệu quả.

Cụ thể, trước đây khi bị bệnh, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế. Hiện nay, chăm sóc F1, F0 tại nhà thì chúng ta thực hiện mô hình y học gia đình. Tức là người nhiễm bệnh ở tại nhà để được tư vấn từ xa, trường hợp cần thiết nhân viên y tế đến tận nhà chăm sóc, thăm khám, ngoài ra có thể tiếp cận quan tâm sức khỏe người trong gia đình F0, động viên họ, chia sẻ và cung cấp thuốc cần thiết để nâng cao sức khỏe.

Cơ sở điều trị có thể tập trung nguồn lực chăm sóc bệnh nhân nặng và rất nặng khi được giảm quá tải bằng cách quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà
Cơ sở điều trị có thể tập trung nguồn lực chăm sóc bệnh nhân nặng và rất nặng khi được giảm quá tải bằng cách quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Đa số thành viên tham gia chăm sóc F0 tại nhà là người có kinh nghiệm, có tay nghề. Họ hiểu rằng độc lực của vi rút SARS-CoV-2 là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, độc lực đến đâu thì sức đề kháng, miễn dịch của con người vẫn là vô cùng quan trọng để chống chọi với vi rút. Do đó, người nhiễm SARS-CoV-2 cần được bồi dưỡng nâng đỡ cơ thể để tăng cường đề kháng và miễn dịch.

Hiện nay, Hội Y học tham gia chăm sóc trước mắt là 200 F0 trên các phường, xã với 32 bác sĩ. Cùng với hệ thống y tế cơ sở, chúng tôi cũng phối hợp các phòng khám thực hiện thăm khám, cấp thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F0 trong quá trình điều trị tại nhà.

* PV: Bệnh nhân F0 điều trị ở nhà có thể diễn tiến trở nặng và có trường hợp trở nặng rất nhanh. Bác sĩ cho biết người bệnh và người chăm sóc F0 đang điều trị tại nhà phải lưu ý theo dõi sức khỏe hằng ngày ra sao?

* TS-BS Nguyễn Hùng Vỹ: Hầu hết F0 điều trị tại nhà đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như: Sốt, ho, mệt mỏi giống cảm cúm và không bị viêm phổi. Triệu chứng hay gặp là sốt, đau nhức, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, mất khứu giác, mất vị giác, tiêu chảy, nôn ói, sung huyết kết mạc, chảy nước mắt.

Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà vẫn có nguy cơ diễn tiến trở nặng nên cần phải đo sinh hiệu ít nhất 2 lần/ngày, đo mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SpO2. Máy đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu) rất quan trọng đối với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Có trường hợp thiếu oxy nhưng bệnh nhân không có triệu chứng, nhìn thấy bệnh nhân vẫn khỏe nhưng đột ngột khó thở và trở nặng, nên theo dõi các triệu chứng như: Mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, ho có đàm, đỏ mắt, tiêu chảy…

Nếu bệnh nhân F0 có những dấu hiệu nguy hiểm như: Khó thở, thở khò khè, nhịp thở nhanh, đối với người lớn trên 20 lần/phút, trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên 40 lần/phút, trẻ từ 5 đến 12 tuổi trên 30 lần/phút; đau ngực, ho ra máu; không thể bước ra khỏi giường; kém tiêu hóa; da, môi, móng tay, móng chân xanh tái; SpO2 dưới 95% thì phải liên hệ ngay với đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động ở địa phương, những đơn vị cấp cứu.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.