Vắc xin Covid-19 an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Hiện nay phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú được Bộ Y tế xếp vào đối tượng dễ tổn thương do Covid-19, do đó đây là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nhiều người thuộc các đối tượng này còn e ngại với chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 của cán bộ y tế. Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang khẳng định nhóm đối tượng này cần phải tiêm vắc xin để bảo vệ thai kỳ an toàn cũng như bảo vệ sản phụ và trẻ nhủ nhi trước đại dịch Covid-19.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang. |
* Phóng viên (PV): Trong giai đoạn đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân thì phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú là đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin, nhưng hiện nay đây lại là đối tượng ưu tiên. Vì sao lại có sự thay đổi này, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Lê Đăng Ngạn: Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm Covid-19 so với những người không mang thai. Tiêm vắc xin Covid-19 có thể bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan trong giai đoạn đầu chưa biết các loại vắc xin Covid-19 có tiết qua sữa mẹ hay không, kinh nghiệm sử dụng vắc xin Covid-19 AstraZeneca trên phụ nữ mang thai còn hạn chế. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên cân nhắc sử dụng vắc xin Covid-19 trong thời kỳ mang thai khi lợi ích vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào cho mẹ và thai nhi, phụ nữ cho con bú.
Ngày 18-3-2021, Bộ Y tế đã có Quyết định 1624 hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca áp dụng trên cả nước khi Việt Nam được tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên. Theo quyết định này, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng, do đây là vắc xin mới, kinh nghiệm sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trên phụ nữ mang thai còn hạn chế.
Gần đây, các khuyến cáo dựa trên các bằng chứng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ cho thấy, mặc dù nguy cơ bị bệnh nặng nói chung là thấp, nhưng những người đang mang thai có nguy cơ bị bệnh nặng cần nhập viện, chăm sóc đặc biệt, cần máy thở hoặc thiết bị đặc biệt để thở hay bệnh dẫn đến tử vong do Covid-19 tăng lên khi so sánh với những người không mang thai. Ngoài ra, những phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có nguy cơ sinh non cao hơn và có thể có nhiều nguy cơ bị thai kỳ bất lợi khác so với những phụ nữ mang thai không mắc Covid-19.
CDC Hoa Kỳ đã công bố dữ liệu đầu tiên về sự an toàn của việc tiêm vắc xin Covid-19 trong thời kỳ mang thai. Những dữ liệu này không tìm thấy bất kỳ mối lo ngại nào về an toàn cho những người mang thai đã được tiêm chủng hoặc thai nhi của họ. Vắc xin Covid-19 không thể gây nhiễm trùng cho bất kỳ ai, kể cả mẹ hoặc con và vắc xin này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở những người đang cho con bú.
Ngày 10-8-2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802, đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm chủng mà trước đây là đối tượng trì hoãn, nay thuộc nhóm cần thận trọng tiêm chủng; đồng thời, đưa phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi nhóm cần thận trọng tiêm vắc xin.
Như vậy, với quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19, trừ vắc xin Sputnik V vì theo hướng dẫn, vắc xin này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm Covid-19 so với những người không mang thai nên tiêm vắc xin Covid-19 để chủ động bảo vệ thai kỳ an toàn. |
* PV: Như vậy, việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ đem lại hiệu quả bảo vệ như thế nào đối với thai phụ và phụ nữ đang cho con bú, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Lê Đăng Ngạn: Hiện nay, bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của tiêm chủng Covid-19 trong suốt thai kỳ ngày càng tăng về lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19 vượt trội hơn bất kỳ mối nguy nào đã biết hoặc có thể xảy ra liên quan đến tiêm chủng trong suốt thai kỳ. CDC Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai, các kháng thể tạo ra được tìm thấy trong máu dây rốn. Điều này có nghĩa là tiêm chủng Covid-19 trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại Covid-19. Những bà mẹ đang cho con bú đã được tiêm vắc xin Covid-19 có kháng thể trong sữa mẹ, có thể giúp bảo vệ con của họ.
* PV: Bác sĩ có thể cho biết có nhóm đối tượng thai phụ và phụ nữ có con nhỏ nào cần thận trọng khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay không?
* BSCK2 Lê Đăng Ngạn: Việc khám thai trước khi tiêm vắc xin Covid-19 tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản để bác sĩ xác định tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi, các điều kiện đáp ứng tiêm chủng đối với thai phụ để đưa ra tư vấn, chỉ định tiêm phù hợp. Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin Covid-19 cần được khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Như đã trình bày, vắc xin Covid-19 không có khả năng gây nhiễm bệnh cho bất kỳ ai, kể cả người mẹ hay trẻ sơ sinh và vắc xin này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
* PV: Hiện nay, Tiền Giang đã triển khai tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú như thế nào và bác sĩ có khuyến cáo gì đối với nhóm đối tượng này trong việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19?
* BSCK2 Lê Đăng Ngạn: Sở Y tế có Công văn 4370 ngày 24-8-2021 về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp số phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú, dự trù và lên kế hoạch phân bổ vắc xin. Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang; 2 Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Gò Công; khoa Sản của Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện khám sàng lọc và tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng trên địa bàn phụ trách.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả các loại vắc xin Covid-19 đang lưu hành, ngoại trừ vắc xin Sputnik V đều được chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên và phụ nữ đang cho con bú, đừng chờ đợi hay lựa chọn, hãy tiêm ngay vắc xin Covid-19 khi có cơ hội.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)