Thứ Sáu, 12/11/2021, 10:20 (GMT+7)
.

Các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi

Nghiên cứu ở các nước cho thấy, sốt xuất huyết (SXH) trong thai kỳ ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi với tỷ lệ tử vong mẹ cao, khoảng 15,9%. Chuyển dạ sinh non, băng huyết sau sinh có thể gây ra bệnh tật đáng kể cho em bé và mẹ. Các chiến lược kiểm soát véc tơ cần được thực hiện mạnh mẽ ở các khu vực bị ảnh hưởng để hạn chế sự lây nhiễm SXH.

Bệnh SXH lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn nhiễm bệnh. Một phụ nữ mang thai đã bị nhiễm bệnh SXH có thể truyền vi rút sang thai nhi trong khi mang thai hoặc trong khoảng thời gian sắp sinh. Tỷ lệ mắc bệnh SXH nặng, mức độ nghiêm trọng xảy ra nhiều ở phụ nữ mang thai so với phụ nữ không mang thai bị nhiễm vi rút Dengue.

SXH có thể gây ra những tác hại, bao gồm tử vong thai nhi, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non. Phụ nữ mắc bệnh SXH trong 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương thai nhi do mất bù huyết động của mẹ, cần can thiệp phẫu thuật cao hơn để sinh.

Nguy cơ lây truyền dọc được xác định rõ ở những phụ nữ mắc bệnh SXH trong giai đoạn cuối thai kỳ. Một số biến chứng phổ biến nhất của thai kỳ bao gồm huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Tất cả những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ như vậy cần được theo dõi chặt chẽ. Những rủi ro có thể trở nên nghiêm trọng trong một số trường hợp như thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng khác ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không giống như lây truyền bệnh sốt rét, SXH không dẫn đến dị tật và bất thường ở thai nhi. Cả mẹ và trẻ sơ sinh bị nhiễm SXH, nếu tiến triển đến sốc SXH (DSS) không được phát hiện, thì có thể tăng nguy cơ xuất huyết nặng do rối loạn đông máu.

Nguyên nhân tử vong thường gặp ở thai phụ mắc SXH có thể do sốc kéo dài suy đa phủ tạng, chảy máu ồ ạt, ứ dịch hoặc do phối hợp các bệnh lý trên. Việc chậm trễ hoặc chẩn đoán sai SXH/DSS trong giai đoạn đầu sẽ dẫn đến biến chứng và thậm chí có thể gây tử vong.

Tuyên truyền phòng, chống SXH (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Tuyên truyền phòng, chống SXH (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Chảy máu sớm do xuất huyết dạ dày nên được dự đoán trước ở bệnh nhân SXH đã dùng kháng viêm NSAID hoặc steroid. Tuy nhiên, ngay cả khi không có NSAID hoặc steroid, chảy máu quá mức hoặc tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình diễn biến của bệnh SXH.

Các thủ thuật trong khi sinh như dụng cụ đo đạc hoặc phẫu thuật sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Chuyển dạ khi bị bệnh SXH có thể làm cho tình trạng của bà mẹ nặng hơn do chảy máu ồ ạt hoặc do can thiệp phẫu thuật như mổ lấy thai và sinh ngả âm đạo.

Các triệu chứng SXH trong suốt thai kỳ không khác so với người bình thường. Tuy nhiên, vì mang thai ảnh hưởng đến cơ thể của bà mẹ, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể tăng lên. Người mẹ có thể bị sốt cao, đau bụng, đau đầu dữ dội, nôn mửa, chóng mặt.

Nhiễm trùng do SXH cũng có thể làm giảm lượng tiểu cầu của cơ thể, nên cân nhắc việc truyền máu và cần được theo dõi liên tục. Người mẹ mang thai bị SXH phải hết sức chăm sóc và chú ý đến chế độ ăn uống, sức khỏe của bản thân.

Cần chú ý ngay đến lượng nước và dinh dưỡng, tăng lượng chất lỏng, cùng các loại khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong cơ thể. Các chất dinh dưỡng quan trọng qua các bữa ăn trong thời kỳ phục hồi giúp cân bằng lượng chất lỏng trong phôi thai để chăm sóc em bé.

Điều trị SXH cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi và tăng cường dinh dưỡng. Để hạ sốt, bác sĩ thường kê đơn paracetamol và kháng viêm NSAID để hạ nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nếu đang mang thai, các loại thuốc phải luôn được thận trọng, chỉ sử dụng sau khi bác sĩ chỉ định.

Liều dùng cũng có thể được giảm xuống trong các trường hợp. Nếu phát hiện sớm và chăm sóc y tế đúng cách khi chuyển nặng, thì các trường hợp tử vong có thể giảm xuống 1%. Các bà mẹ tiếp xúc với bệnh SXH chỉ vài ngày trước ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ vì họ là những người có nguy cơ cao nhất.

Cũng cần lưu ý, việc cho con bú không phải là trở ngại đối với những bà mẹ mới mắc bệnh SXH. Bệnh không lây từ mẹ sang con khi cho con bú. Trên thực tế, sữa mẹ có chứa các chất dinh dưỡng và kháng thể mạnh mẽ có thể làm cho em bé miễn dịch khỏi mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, bao gồm cả SXH. Nhưng nếu mẹ đang bị nhiễm trùng nặng, sữa công thức có thể là một lựa chọn nên cân nhắc.

Hiện đang vào mùa cao điểm của bệnh SXH, do đó SXH ở phụ nữ mang thai là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm. Phòng ngừa dựa trên các biện pháp kiểm soát véc tơ hiệu quả là giải pháp cần thực hiện mạnh mẽ trong khi chờ đợi có vắc xin trong thời gian tới.

Người mẹ mang thai tránh đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh SXH, phòng, chống muỗi đốt, kiểm soát lăng quăng hằng tuần trong các dụng cụ chứa nước. Đến ngay các cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ để được thầy thuốc tư vấn, thăm khám, xét nghiệm, theo dõi và điều trị.

BSCK2 LÊ ĐĂNG NGẠN

.
.
.