Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số
Nếu như ở giai đoạn 2011 - 2020, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) bắt đầu được quan tâm thực hiện khi dân số của tỉnh Tiền Giang bước vào giai đoạn già hóa dân số (tỷ lệ NCT trên 60 tuổi chiếm 10% dân số), thì ở giai đoạn 2021 - 2030 việc chăm sóc sức khỏe cho NCT là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số.
Tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho NCT. |
TỪ NỀN TẢNG BAN ĐẦU
Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trên tổng số dân tăng đều qua các năm. Năm 2011, tỷ lệ này là 11,24%, đến năm 2020 là 14,59%. Theo dự báo thời gian quá độ từ già hóa dân số (tỷ lệ NCT trên 60 tuổi chiếm 10% dân số) sang dân số già (tỷ lệ NCT trên 60 tuổi chiếm 20% dân số) ở Việt Nam chỉ khoảng 20 năm.
Ở giai đoạn 2011 - 2020, công tác chăm sóc sức khỏe (NCT) bắt đầu được tỉnh Tiền Giang thực hiện từ Kế hoạch 95 ngày 11-6-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh; tiếp theo đó là Đề án 2579 của Sở Y tế được UBND tỉnh phê duyệt tại Công văn 5494 ngày 15-11-2017. Hai nhiệm vụ trọng tâm ở giai đoạn này là truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT và khám sức khỏe định kỳ cho người từ 80 tuổi trở lên cùng người neo đơn, bệnh nặng từ 60 tuổi trở lên.
Kết quả ghi nhận trong giai đoạn này, bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe NCT, hướng dẫn NCT tự chăm sóc sức khỏe bản thân 2.667 cuộc, có 94.463 người dự; hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT 1.342 cuộc, 44.435 người dự; xây dựng chuyên mục chăm sóc sức khỏe NCT trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc; nhân bản, mua cấp cho đối tượng 9.406 tờ tơi, 65 băng rôn; đĩa CD tăng huyết áp, đái tháo đường và các sản phẩm truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT.
Đặc biệt, toàn tỉnh đã thành lập được 172 tổ tình nguyện viên chăm sóc NCT tại 172 xã, phường, thị trấn với tổng số 861 tình nguyện viên tham gia thực hiện các hoạt động như: Đo huyết áp; kiểm tra thuốc, cho uống thuốc; xoa bóp, vật lý trị liệu; tập luyện, phục hồi chức năng; vệ sinh cá nhân; trò chuyện; vệ sinh nhà cửa, nấu ăn giúp NCT; đưa đi khám bệnh; cho ăn, uống... Khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho hơn 40.000 NCT từ 80 tuổi trở lên, hơn 5.000 NCT từ 60 tuổi trở lên neo đơn, bệnh nặng.
Thành lập 117 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, 280 câu lạc bộ dưỡng sinh ở các ấp, khu phố. Tiếp tục duy trì hoạt động 2 nhà dưỡng lão: Liên Hoa (ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông, TX. Gò công) và Thanh Bình (ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT ở giai đoạn này gặp không ít khó khăn: Nhân lực y tế còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ, việc thành lập đoàn khám ở cấp huyện có đầy đủ chuyên khoa để khám sức khỏe định kỳ cho NCT; đồng thời, khám, chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cơ sở.
Nhiều trạm y tế không nằm ở vị trí trung tâm của xã nên không thuận tiện trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại trạm, đoàn khám phải di chuyển xuống tận trụ sở ấp để khám cho NCT (rất khó khăn trong việc vận chuyển các trang thiết bị như máy siêu âm, máy điện tim,...). NCT thường đi lại khó khăn, phải có người đưa, rước; nhưng đa số người nhà bận đi làm nên không đưa NCT đến trạm y tế để khám.
Khó khăn, hạn chế lớn nhất là chưa có đủ kinh phí hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho người từ 60 đến 80 tuổi. Các nhà dưỡng lão hiện tại chưa đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như con người theo Nghị định 103 ngày 12-9-2017 của Chính phủ.
TIẾP TỤC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Công tác chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2011 - 2020 đã bước đầu tạo được phong trào người dân, xã hội quan tâm, chăm sóc sức khỏe NCT, nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo. Ở giai đoạn này công tác chăm sóc sức khỏe NCT sẽ tiếp tục được thực hiện theo các nội dung Quyết định 1579 ngày 13-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 và Quyết định 403 ngày 20-1-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030, bao gồm:
Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn NCT tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT. Xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của NCT.
Phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày. Tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe NCT theo phương thức xã hội hóa. Tăng cường năng lực khám, chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là NCT thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi).
Thực hiện bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với NCT theo hướng dẫn của trung ương; ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe NCT (mạng xã hội, Internet,...) theo hướng dẫn của trung ương. Thực hiện đào tạo, tập huấn cập nhật, các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật, hệ thống chỉ báo thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe NCT theo hướng dẫn của trung ương.
Duy trì, mở rộng Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT, mỗi xã thành lập 1 câu lạc bộ do bác sĩ phụ trách hoặc lãnh đạo trạm y tế làm chủ nhiệm, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tại nhà văn hóa xã hoặc các cơ sở khác thuận lợi nhất. Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, câu lạc bộ dưỡng sinh, mỗi 2 tháng có 1 bác sĩ báo cáo chuyên đề về sức khỏe.
Duy trì hoạt động tổ tình nguyện viên ở cấp xã đã thành lập (trạm trưởng/phó trạm y tế là tổ trưởng, thành viên là cán bộ dân số và đại diện Hội NCT xã, bác sĩ gia đình. Mỗi xã có ít nhất từ 3 - 5 tình nguyện viên là cộng tác viên dân số, y tế ấp, hội viên Hội NCT và thành viên một số ban, ngành ở xã). Các tình nguyện viên thực hiện các hoạt động như theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT tại hộ gia đình được phân công, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho NCT...
Chuẩn hóa 2 nhà dưỡng lão hiện có của tỉnh (nhà dưỡng lão Liên Hoa, ở ấp Hồng Rạng, xã Bình Đông, TX. Gò công và nhà dưỡng lão Thanh Bình, ở ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, đảm bảo về cơ sở vật chất, con người theo Nghị định 103 ngày 12-19-2017 của Chính phủ. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có thêm 1 nhà dưỡng lão. Kinh phí dự kiến thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe NCT giai trong giai đoạn này là gần 222 tỷ đồng.
Hy vọng với những hoạt động trên, NCT của tỉnh sẽ được quan tâm chăm sóc tốt hơn trong thời gian tới, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
THU THỦY