.

Dịch diễn biến phức tạp, rất cần ý thức phòng dịch của mọi người

Cập nhật: 10:31, 05/11/2021 (GMT+7)

Từ ngày 10-10 đến 3-11, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 3.216 ca F0 mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 của tỉnh đến ngày 3-11 là 17.126 ca. Nhìn chung, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện một số ổ dịch có phạm vi rộng, làm tăng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, xuất hiện ổ dịch ở các công ty (quy mô nhỏ) do công nhân đi/về hằng ngày làm lây lan, phát sinh các ổ dịch trong cộng đồng.

VÙNG XANH BỊ THU HẸP

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa ký Quyết định 1655 công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tuần từ ngày 28-10 đến 3-11. Đây là lần đánh giá cấp độ dịch thứ 4 của tỉnh.

Các đơn vị tiêm chủng trong tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để nhanh chóng tăng tỷ lệ  bao phủ vắc xin trong dân.
Các đơn vị tiêm chủng trong tỉnh Tiền Giang đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin trong dân.

Theo Quyết định 1655, Tiền Giang đang ở cấp độ 2, tức mức nguy cơ trung bình. Toàn tỉnh có 1 đơn vị đang ở trạng thái bình thường mới là huyện Tân Phú Đông; 10 huyện, thị, thành còn lại ở cấp độ 2. Về quy mô cấp xã, có 101 xã, phường, thị trấn bình thường mới; 63 đơn vị cấp độ 2, trong đó TP. Mỹ Tho 5 đơn vị; TX. Gò Công và TX. Cai Lậy mỗi nơi 4 đơn vị; huyện Cai Lậy 5 đơn vị; huyện Cái Bè 8 đơn vị; huyện Tân Phước 3 đơn vị; huyện Châu Thành 11 đơn vị; huyện Chợ Gạo 9 đơn vị; huyện Gò Công Tây 8 đơn vị và huyện Gò Công Đông 6 đơn vị; 6 đơn vị cấp độ 3 là xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; xã Phước Lập, huyện Tân Phước; phường 6, phường 8, xã Trung An và Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho; 2 đơn vị cấp độ 4 gồm phường 3, TP. Mỹ Tho và xã Bình Đức, huyện Châu Thành.

Về đánh giá cấp độ dịch, từ ngày 10-10 đến nay, Sở Y tế thực hiện 4 lần đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh Tiền Giang đều ở cấp độ 2. Tuy nhiên, các cấp độ dịch ở tuyến huyện và xã có sự thay đổi, trong tuần qua vùng xanh quy mô cấp huyện và cấp xã đều giảm so với 3 lần đánh giá trước đó.

Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang, hiện nay, số F0 mắc mới có xu hướng tăng, phát sinh các ca mắc trong cộng đồng. Khó khăn của tỉnh là Nghị quyết 128 của Chính phủ với các quy định về phòng, chống dịch mở ra rất nhanh và thoáng nên Tiền Giang chưa đáp ứng kịp, nhất là trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin trong toàn dân của tỉnh còn thấp.

Bên cạnh đó, người về từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh với số lượng khá lớn (trên 22.300 người) nhưng chưa có sự phối hợp giữa các địa phương với tỉnh Tiền Giang nên còn bị động trong công tác quản lý, thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã dỡ bỏ các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch, việc đi lại của người dân được nới lỏng nên rất khó kiểm soát, nhất là trong công tác điều tra, truy vết. Việc di chuyển của người dân qua địa bàn tỉnh rất lớn, cùng với bỏ quy định test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với tài xế khi vào tỉnh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ) chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chưa chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh.

Công tác tiêm vắc xin tuy đã được tập trung nhưng chưa đạt tiến độ đề ra do các đối tượng không đủ điều kiện tiêm; chưa đến thời gian tiêm mũi 2. Khi chuyển sang trạng thái mới, nới lỏng giãn cách xã hội, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất là đối với những người đã tiêm vắc xin, không tuân thủ nghiêm 5K, đi lại tự do, làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát.

GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT DỊCH

Xuất phát từ thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang đã đề ra giải pháp kiểm soát dịch trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung cao độ, quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; huy động toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch, đặc biệt là trong trạng thái bình thường mới.

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 của tỉnh trong 7 ngày (từ ngày 28-10 đến 3-11).
Biểu đồ số ca mắc Covid-19 của tỉnh Tiền Giang trong 7 ngày (từ ngày 28-10 đến 3-11).

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, điều quan trọng trong thời gian này chính là phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. “5K” cộng với vắc xin và ý thức người dân là giải pháp hữu hiệu đẩy lùi dịch bệnh, nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo đúng quy định phòng, chống dịch bất kể tình trạng tiêm chủng.

Căn cứ vào cấp độ dịch được Sở Y tế Tiền Giang công bố, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn. Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch theo Công diện 1700 của Bộ Y tế. Khi có ổ dịch xảy ra, phải khoanh vùng thật nhanh, phong tỏa hẹp nhất có thể; điều tra, truy vết thần tốc và xét nghiệm, trả kết quả nhanh để dỡ bỏ phong tỏa. Các địa phương quán triệt thực hiện theo 3 trụ cột chống dịch, một là cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; hai là xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; ba là điều trị tích cực từ sớm, từ xa.

Đến ngày 4-11, Tiền Giang đã được Bộ Y tế ký quyết định phân bổ trên 2,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại. Các đơn vị tiêm chủng trong tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin trong dân. Đến nay, tỉnh có trên 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1 và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 30%.

Theo kế hoạch, Tiền Giang sẽ đạt độ bao phủ 100% mũi 1 vào cuối tháng 11-2021 và 100% tiêm đủ 2 mũi vào cuối tháng 12-2021 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên. Riêng đối tượng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi (có trên 145 ngàn trẻ), tỉnh đã xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm chủng và sẽ triển khai ngay khi tiếp nhận vắc xin.

Song song đó, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo từng địa phương phải lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ đối với các địa bàn nguy cơ và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm F0.

Quản lý chặt địa bàn, xét nghiệm và thực hiện việc cách ly đúng quy định đối với F0, F1, người về từ vùng dịch  theo Công điện 1700 của Bộ Y tế. Giao trách nhiệm cho Tổ Covid cộng đồng, chính quyền cấp xã, ấp, khu phố trong việc quản lý các đối tượng trên; đồng thời, phát động phong trào người dân hỗ trợ giám sát, phát hiện các đối tượng không thực hiện việc cách ly, xét nghiệm theo đúng quy định.

Từng cấp tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch để kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đối với công tác điều trị, Tiền Giang sẽ tăng cường điều trị F0 tại nhà và cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo. Củng cố trạm y tế xã, liên xã để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở. Tăng tốc tổ chức tốt việc tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

THỦY HÀ

.
.
.