Ngày 17-11: Tiền Giang tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi
(ABO) Từ ngày 17-11, Tiền Giang sẽ thay đổi phương án phòng, chống dịch Covid-19 với những quy định mới về cách xác định F0 và phương án xử lý dịch. Nội dung này được triển khai tại cuộc họp trực tuyến 3 cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào chiều 16-11.
Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang và Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang chủ trì.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười chỉ đạo nhanh chóng tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh từ ngày 17-11 theo phương án đã phê duyệt trước đó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm ngay vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ngay từ ngày 17-11. |
THAY ĐỔI TRONG XÁC ĐỊNH F0
Hướng dẫn quản lý, xử lý ổ dịch trong tình hình mới, BSCK2 Trần Thanh Thảo triển khai Công văn 6266 của Sở Y tế, có hiệu lực từ kể ngày 17-11.
Theo BSCK2 Trần Thanh Thảo, trước đây, việc phát hiện các F0 chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm realtime RT-PCR mẫu đơn dương tính. Các test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn dương tính đều phải khẳng định lại bằng phương pháp realtime RT-PCR.
Tuy nhiên, theo kết quả thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang gần đây cho thấy, tỷ lệ kết quả test nhanh SARS-CoV-2 dương tính sau khi xét nghiệm lại bằng phương pháp realtime RT-PCR có kết quả gần tương đương nhau, tỷ lệ chính xác từ 94% đến 100%. Hướng dẫn này mang lại những mặt tích cực là giúp các cơ sở y tế xử lý nhanh các trường hợp dương tính, không mất nhiều thời gian chờ đợi kết quả RT-PCR, tiết kiệm khoản kinh phí rất lớn từ việc hạn chế xét nghiệm lại bằng phương pháp realtime RT-PCR.
BSCK2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang triển khai phương án phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng từ ngày 17-11 tại Tiền Giang. Cụ thể, ca test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính được xác định là F0. |
Về xử lý ổ dịch, Sở Y tế chỉ đạo khi phát hiện các trường hợp F0 thông qua test nhanh kháng nguyên hoặc bằng RT-PCR, các cơ sở y tế thực hiện đưa F0 đi quản lý, điều trị. Công tác điều trị đối với các trường hợp F0 có triệu chứng hoặc F0 có nguy cơ cao (người mắc bệnh đang diễn tiến, người thừa cân béo phì...) phải đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế theo phân tầng điều trị. Các trường hợp còn lại quản lý, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở cấp xã theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Về công tác quản lý, tiến hành phong tỏa hộ gia đình, dán bảng phong tỏa trước nhà với dòng chữ: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid 19" nền đỏ chữ vàng. Sau 14 ngày, xét nghiệm RT-PCR gộp cho toàn hộ gia đình, nếu kết quả âm tính thì quyết định kết thúc cách ly, nếu còn dương tính thì tiếp tục cách ly thêm 7 ngày. Trạm Y tế báo cáo với chính quyền cấp xã để quản lý, hỗ trợ hậu cần cho các gia đình bị cách ly, phong tỏa.
Về công tác truy vết và xử lý đối với các trường hợp F1 không chung nhà với F0: Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ theo Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SASR-CoV-2 dương tính. Tiến hành cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1). Đến ngày thứ 14 sẽ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đơn đối với F1 hoặc mẫu gộp theo hộ gia đình (tùy theo tình hình thực tế) để quyết định kết thúc cách ly.
Sở Y tế lưu ý, trong suốt quá trình theo dõi, điều trị F0 tại nhà, nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường, phải chuyển ngay F0 đến cơ sở y tế để điều trị. Trong quá trình quản lý, cách ly F1 tại nhà, nếu phát hiện có triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường phải được xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn ngay lập tức. Nếu kết quả dương tính phải chuyển đến cơ sở y tế để điều trị, còn kết quả âm tính, phải lấy mẫu xét nghiệm lại ngay bằng phương pháp realtime RT-PCR.
Về xét nghiệm đối tượng nguy cơ: Được áp dụng đối với tất cả các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn, nếu kết quả dương tính thì giải quyết như một ca dương tính, nếu âm tính thì lấy mẫu xét nghiệm lại bằng kỹ thuật RT-PCR mẫu đơn để khẳng định.
Đối với người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm SARS-CoV-2 (nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên làm việc tại các cơ sở thu dung điều trị Covid-19, cán bộ phụ trách khu cách ly, nhân viên điều tra dịch tễ), nhân viên thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh: Xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR gộp 10 hoặc test nhanh mẫu gộp 3 với tần suất định kỳ 7 ngày/lần.
Đối với người giao hàng, shipper, người làm việc trong các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, cửa hàng mua sắm tiện lợi, các vựa hàng hóa, nông sản, các nhà hàng, quán bán thức ăn, nước uống: Tùy vào tình hình dịch bệnh, địa phương quyết định tần suất và tỷ lệ xét nghiệm phù hợp (địa phương thuộc cấp độ 4: Xét nghiệm 100%; cấp độ 3: Xét nghiệm 70%; cấp độ 2: Xét nghiệm 50%; cấp độ 1: Xét nghiệm 20%, chọn đối tượng nguy cơ nhất) với tần suất định kỳ 7 ngày/lần bằng phương pháp xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3.
Đối với người về từ địa phương có ca mắc cao: Thực hiện theo Công điện 1700 của Bộ Y tế và theo quy định tại Phụ lục Biện pháp áp dụng kiểm soát dịch 4 cấp độ ban hành kèm theo Công văn 6808 ngày 10-11-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang.
Về tần suất, tỷ lệ xét nghiệm đối với người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao: Thực hiện theo Công văn 9472 ngày 8-11-2021 của Bộ Y tế.
SẼ TIÊM VẮC XIN CHO TRẺ EM TỪ NGÀY 17-11
BSCK2 Nguyễn Ngọc Chơn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh Tiền Giang đã tiêm được 1.938.153 liều, gồm 1.284.114 mũi 1 và 654.039 mũi 2, đạt 77,4% trên tổng số 2.503.430 liều theo các Quyết định phân bổ của Bộ Y tế; đạt 91,2% trên tổng số 2.124.530 liều đã nhận.
Dân số từ 18 tuổi trở lên đã trừ F0 được tiêm mũi 1 là 1.284.114 người trên tổng số 1.463.170 người, đạt 87,8%; tiêm đủ 2 mũi là 654.039 người, đạt 44,7%. Dân số từ 50 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 là 456.171 người trên tổng số 539.781 người, đạt 84,5%; tiêm đủ 2 mũi là 219.581 người, đạt 40,7%. Số công nhân và người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 là 290,676 người trên tổng số 330.233 người, đạt 88% và đã tiêm đủ 2 mũi là 185.453 người, đạt 56,2%.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang. |
Theo BSCK2 Nguyễn Ngọc Chơn, hiện nay đã có nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho hơn 95% dân số từ 18 tuổi trở lên như TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước…
Chỉ đạo về công tác tiêm vắc xin, đồngchí Nguyễn Văn Mười chỉ đạo các địa phương phải ráo riết thực hiện rà soát tình hình tiêm vắc xin của người dân trên địa bàn và nhu cầu vắc xin. Nhanh chóng tiêm ngay cho người dân khi đến hạn tiêm mũi 2, đặc biệt là vắc xin Shinopharm đều đã đến hạn trả mũi; đối với vắc xin Abdala, tranh thủ tiêm mũi 2, sau đó thống kê nhu cầu vắc xin mũi 3; đối với hơn 74 ngàn liều vắc xin Pfizer các huyện dùng để trả mũi 2 cho người trên 18 tuổi phải chuyển ngay sang sử dụng tiêm cho học sinh từ ngày 17-11, lưu ý tiêm từ nhóm tuổi lớn đến nhóm tuổi nhỏ.
Việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi thực hiện từ ngày 17-11 theo phương án đã được phê duyệt. Trong đó, sẽ tiến hành tiêm từ nhóm tuổi lớn đến nhóm tuổi nhỏ. Việc tổ chức tiêm chủng thực hiện tại trường học đối với học sinh trong độ tuổi và tiêm tại các điểm tiêm cố định cho trẻ em không đi học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành Giáo dục tổ chức tốt điểm tiêm, đảm bảo thuận tiện và an toàn theo phương án đã chuẩn bị sẵn. Riêng địa bàn TP. Mỹ Tho, giao Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiêm cho học sinh của 3 trường: THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Chuyên Tiền Giang và THPT Trần Hưng Đạo.
THỦY HÀ