Thứ Tư, 10/11/2021, 10:18 (GMT+7)
.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới thay đổi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống bình thường và làm thay đổi rất nhiều về quan điểm sống của mọi người. Quan điểm và chiến lược về phòng, chống dịch của Tổ chức Y tế Thế giới cũng thay đổi rất căn bản. Đó là, từ chiến lược “Zero Covid” (tức tiêu diệt triệt để Covid-19) chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 (hay nói là sống chung với dịch Covid-19).

Tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Thủy Hà
Tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Thủy Hà

Từ những trận dịch và đại dịch trước đây, các nhà dịch tễ học đã nghiên cứu để tạo ra những công thức phòng, chống dịch gần như bất di bất dịch: Phát hiện - phong tỏa - truy vết - cách ly - điều trị - dập dịch. Thời gian đầu, chúng ta đã áp dụng và có một số thành công nhất định khi thực hiện hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức này.

Tuy nhiên, khi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, nhiều đợt dịch tưởng chừng đã được kiểm soát và khống chế lại bùng phát dữ dội khắp nơi với tốc độ, quy mô ngày càng lớn hơn, bất chấp những nỗ lực tối đa của các quốc gia, để lại nhiều hệ lụy và hậu quả vô cùng to lớn.

Chúng ta không thể cứ tiếp tục sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, không thể cách ly kéo dài, phong tỏa mãi sẽ làm nền kinh tế không thể phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống dịch ngày càng cạn kiệt, mọi hoạt động xã hội vẫn cứ “đóng băng”...

Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, thay đổi quan điểm, chiến lược cho việc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, đó là phải thích ứng với dịch Covid-19, chấp nhận có số ca mắc Covid-19 nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân, tức là cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca mắc, ca nặng và tử vong. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch. Từ ý kiến phân tích của các nhà khoa học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; qua đó, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.

Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi 1, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp độ 1, nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp độ 2, nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. Cấp độ 3, nguy cơ cao tương ứng với màu cam. Cấp độ 4, nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Xét nghiệm tầm soát Covid-19.
Xét nghiệm tầm soát Covid-19. Ảnh: Thủy Hà

Đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, phải dựa vào 6 nguyên tắc cơ bản: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Phải thực hiện 6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như sau: Một là chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch thông qua việc xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế theo từng cấp độ dịch, triển khai khi có dịch; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc F0.

Hai là tổ chức xét nghiệm theo địa bàn nguy cơ, có dịch cấp 3, 4 và nhóm nguy cơ hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ, hoặc xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ. Ba là tổ chức cách ly y tế cho người đến từ địa bàn có dịch; người tiếp xúc gần (F1).

Bốn là tiêm vắc xin Covid-19 nhanh nhất có thể cho mọi người, ưu tiên theo nhóm đối tượng. Năm là nâng cao năng lực điều trị  F0. Sáu là phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn; cơ sở giáo dục đào tạo; người điều khiển phương tiện vận chuyển.

BSCKII TRẦN THANH THẢO

 

.
.
.