.

Thích ứng dịch COVID-19 trong tình hình mới: Luôn giữ thế chủ động

Cập nhật: 19:10, 12/11/2021 (GMT+7)

Dịch COVID-19 hiện nay đã diễn ra trên diện rộng với quy mô hầu hết tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngày 11-11, Việt Nam bước sang một dấu mốc mới khi ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19.

Truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 trên toàn quốc đã được kiểm soát, tuy nhiên hai tuần trở lại đây số ca mắc mới trong cộng đồng tăng liên tiếp ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước, gia tăng số xã lên cấp độ 3 và 4. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, đã có 142 xã, phường lên cấp độ 3 và 4.

Đặc biệt, ngày 11-11, Việt Nam bước sang một dấu mốc mới khi ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Đáng lưu ý, các ca mắc mới xuất hiện tại 56 địa phương; hiện chỉ có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua gồm: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Dịch vẫn diễn biến phức tạp

Có thể nói, dịch COVID-19 hiện nay đã diễn ra trên diện rộng với quy mô hầu hết tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tron khi đó, cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển, khôi phục kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết theo Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Theo đó, các địa phương phải đánh giá được cấp độ dịch để áp dụng biện pháp phù hợp cho những hoạt động khác nhau như sự kiện ngoài trời, giao thông, giáo dục… Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi cả nước.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích dịch COVID-19 trên toàn quốc đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do khi nới lỏng giãn cách, các hoạt động tăng lên, sự giao lưu đi lại tăng lên, sự tiếp xúc giao lưu đi lại giữa người với người cũng tăng lên.

Khi nới lỏng giãn cách, dịch bệnh không còn trong nội đô một thành phố, một tỉnh. Chẳng hạn như người dân di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Như vậy, có tình trạng gia tăng ca nhiễm sẵn có ở nơi có dịch từ các tỉnh phía Nam về các địa phương. Hoặc F0 sẵn có trong cộng đồng mà chưa giải quyết hết trong đợt giãn cách cũng âm thầm phát triển và sự tiếp xúc giữa nhiều người, giữa những người nhiễm làm cho dịch bùng phát.

Phó giáo sư Phu chỉ rõ đây là điều đáng lo ngại với những địa phương đang có tỷ lệ tiêm chủng thấp và hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Phu cũng chỉ rõ tại nhiều nơi bùng phát dịch trong đợt giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua qua tỷ lệ dịch nhiễm sâu rất nhiều trong cộng đồng. Khi người mắc COVID-19 không có triệu chứng, họ trở về các địa phương, thậm chí khi không biết mình mắc bệnh sẽ lây lan cho những người khác.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hà Nội đã giám sát tổng số 12.027 người từ các tỉnh, thành phố trở về Hà Nội, qua đó ghi nhận 100 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tính theo phương tiện di chuyển, có 7.336 người đi bằng máy bay, 1.692 người đi tàu hỏa; 1.785 người đi ôtô, xe khách và 1.214 người đi bằng phương tiện cá nhân.

100 trường hợp dương tính trở về từ 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (64), Đồng Nai (9), Bình Dương (7), Hà Giang (5), Nam Định (3), Hà Nam (3), Phú Thọ (2), Quảng Ngãi (2), Tây Ninh (1), Bắc Giang (1), Đắk Lắk (1), Phú Quốc - Kiên Giang (1), An Giang (1).

Trong 100 ca dương tính này có 61 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, 24 người đã tiêm 1 mũi, 8 người chưa tiêm và 7 người chưa đến tuổi tiêm chủng.

Luôn phải giành thế chủ động

Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, Phó giáo sư Phu cho rằng dịch tại các tỉnh phía Bắc cũng phức tạp, đáng lo ngại với một số địa phương. Nhiều tỉnh phía Bắc tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, nếu như để người già, người mắc bệnh nền chưa được tiêm chủng rất dễ bệnh nặng và tử vong, cùng với đó là khó khăn về trang thiết bị và cơ sở vật chất, nhân lực y tế.

Tiêm vaccine được xác định là biện pháp bền vững nhất và nó mang tính hiệu quả. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tiêm vaccine được xác định là biện pháp bền vững nhất và nó mang tính hiệu quả. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ông Phu cũng chỉ ra thực tế cho thấy khi dịch bùng phát trong thời gian vừa qua các địa phương đều có sự hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện nới lỏng, nhiều địa phương xuất hiện ca bệnh với số lượng lớn nên việc hỗ trợ cũng gặp khó khăn. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm vì nhiều tỉnh thời gian qua chưa có dịch, phản ứng của hệ thống không nhanh bằng những tỉnh đã có kinh nghiệm. Vì vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải hết sức lưu ý để dịch không bùng phát mạnh.

“Để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chúng ta vẫn phải thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch cũng như điều trị hiệu quả, chỉ thay đổi giải pháp. Tôi muốn nhấn mạnh là càng phát hiện dịch sớm càng tốt và phong tỏa chặt để dịch không bùng phát,” Phó giáo sư Phu cho hay.

Vấn đề thứ hai là tiêm vaccine, đây là biện pháp bền vững nhất và mang tính hiệu quả tốt, song đòi hỏi cần phải có thời gian.

Điểm thứ ba, theo Phó giáo sư Phu, là các địa phương phải củng cố nhanh hệ thống y tế cơ sở. Một vấn đề nữa là cần đảm bảo an sinh xã hội trong những vùng dịch, nơi khó khăn để đảm bảo các mục tiêu y tế được thực hiện hiệu quả.

Để thực hiện được 3 mục tiêu này, Phó giáo sư Phu cho rằng các địa phương trước tiên phải giành thế chủ động, không để bị động và nhất thiết phải xây dựng các kịch bản cho những tình huống khác nhau. Mặt khác, các tỉnh phải nâng cao năng lực về xét nghiệm, điều trị, hệ thống y tế cơ sở cùng với hệ thống cán bộ hồi sức cấp cứu, năng lực cán bộ của hệ thống y tế.

“Chúng ta trải qua 4 đợt dịch nhưng không có đợt dịch nào giống đợt dịch nào. Vì vậy, các địa phương phải thích ứng linh hoạt, phản ứng với đúng thực tế, lấy kinh nghiệm từ các đợt dịch trước để giải quyết đợt dịch sau. Có một kinh nghiệm là các tỉnh, thành phố cần không để 'vỡ trận' dự phòng. Bởi để vỡ tuyến phòng thủ này cũng đồng nghĩa với việc 'vỡ trận' điều trị. Khi có tình trạng số ca mắc tăng lên cao quá không kiểm soát được sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, việc quá tải hệ thống y tế gây chuyển bệnh nặng làm tử vong…,” vị cố vấn cấp cao nhấn mạnh.

Do vậy, mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành phố cần có cách làm khác nhau trên cơ sở tình hình dịch trên địa bàn cũng như các bài học kinh nghiệm thu nhận được. Trong bối cảnh đó, các tỉnh phía Bắc nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ mắc cao khi dịch bùng phát nặng cần phải thích ứng linh hoạt để thực thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội./.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/thich-ung-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-luon-giu-the-chu-dong/753591.vnp)

.
.
.