Thứ Hai, 01/11/2021, 19:54 (GMT+7)
.

Thực hiện Nghị quyết 128: Chấp nhận có F0 trong cộng đồng nhưng phải kiểm soát được tình hình

(ABO) Chiều 1-11, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
 
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới để chống dịch
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo các nhiệm vụ cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới để chống dịch Covid-19.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Trần Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang; cùng lãnh đạo UBND và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện.

CA MẮC TĂNG SAU 2 TUẦN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 128
 
Tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh sau 2 tuần thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Từ ngày 1 đến 31-10, toàn tỉnh ghi nhận 2.644 ca mắc mới, giảm 1.156 ca (30,4%) so với tháng 9-2021. Tuy nhiên, trong tháng 10, số ca mắc trong ngày tăng dần, ngày ghi nhận thấp nhất là 13 ca (ngày 3-10), ngày ghi nhận cao nhất là 223 ca (ngày 30-10). Số ca mắc trung bình 7 ngày tăng liên tục từ 48 ca/ngày lên 145 ca/ngày (202,1%).
  
Quang cảnh cuộc họp
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.
 
Nhận định, đánh giá tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát, làm tăng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, xuất hiện ổ dịch ở các công ty, số lượng công nhân dương tính nhiều, công nhân đi về hằng ngày làm lây lan F0 ra cộng đồng, dẫn đến các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng.
 
Tại một số huyện như Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho… tình hình dịch diễn biến rất phức tạp. Trong đó, huyện Châu Thành từ ngày 1 đến 18-10, số ca mắc mới trong ngày và trung bình 7 ngày ít dao động, duy trì ở mức từ 11 - 17 ca, thấp nhất 4 ca/ngày. Từ ngày 19-10 đến nay, số ca mắc mới tăng cao (có ngày ghi nhận 69 ca), số ca mắc trung bình 7 ngày tăng liên tục từ 7 ca/ngày lên 35 ca/ngày (tăng 400%).
 
Tại TP. Mỹ Tho, từ ngày 1 đến 24-10, ghi nhận số ca mắc/ngày dao động từ 17 - 29 ca. Từ ngày 25-10 đến nay, số ca mắc mới trong ngày tăng cao, có ngày ghi nhận 43 ca. Huyện Cái Bè, từ ngày 11-10 đến nay, số ca mắc mới trong ngày và trung bình 7 ngày có xu hướng tăng so với giai đoạn từ ngày 1 đến 10-10, có ngày ghi nhận 58 ca mắc mới. Số ca trung bình 7 ngày tăng từ 6 ca/ngày lên 23 ca/ngày (283,3%). Trong 7 ngày gần đây (từ ngày 25 đến 31-10), số ca mắc trung bình 7 ngày tăng liên tục từ 15 ca/ngày lên 23 ca/ngày (53,3%). Huyện Gò Công Đông, từ ngày 10-10 đến nay, số ca mắc mới trong ngày liên tục tăng, ngày cao nhất ghi nhận 33 ca (ngày 28-10).
 
Phát biểu tại cuộc họp, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười và Phạm Văn Trọng cùng lãnh đạo các địa phương đã nêu lên những thách thức đối với công tác kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới.
 
PHÁT HUY VAI TRÒ CƠ SỞ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
 
Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, chúng ta đang thích ứng với điều kiện sống chung với Covid-19 nên chấp nhận vẫn có F0 trong cộng đồng nhưng phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Căn cứ vào cấp độ dịch được Sở Y tế công bố, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.
 
Công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh quan trọng nhất hiện nay là 5K cộng với vắc xin và ý thức của người dân. Do đó cần xốc lại tinh thần lực lượng tuyến đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là, quyết tâm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch vừa qua, không để dịch bùng phát trở lại. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
 
Đối với công tác xử lý ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo khi có ổ dịch xảy ra, các địa phương phải khoanh vùng thật nhanh, điều tra, truy vết thần tốc và xét nghiệm theo đúng hướng dẫn; phát huy vai trò của trung tâm y tế trong việc hướng dẫn xử lý ổ dịch, điều phối lực lượng lấy mẫu để hỗ trợ các xã xử lý ổ dịch.
 
Lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát đối với các địa bàn nguy cơ và đối tượng nguy cơ. Cụ thể, lực lượng phòng, chống dịch và nhân viên y tế thực hiện theo Công văn 7316 ngày 13-9-2021 của Bộ Y tế. Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo Quyết định 4158 ngày 28-8-2021 của Bộ Y tế. Xét nghiệm địa bàn nguy cơ như chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, bách hóa xanh, cửa hàng tiện lợi, quán bán thức ăn, bán đồ uống, vựa nông sản, cảng cá… Xét nghiệm đối tượng nguy cơ gồm tài xế, người giao hàng, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người di chuyển nhiều.
 
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp.

Tần suất xét nghiệm cho địa bàn nguy cơ và đối tượng nguy cơ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch trên địa bàn. Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm khu công nghiệp thực hiện theo Công văn 6526 ngày 28-10-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Thực hiện việc xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng tuần đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt địa bàn, xét nghiệm và thực hiện việc cách ly đúng quy định đối với F0, F1, người về từ vùng dịch, nhất là các tỉnh, thành phố có ca mắc cao như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Các địa phương phải giao trách nhiệm cho Tổ Covid cộng đồng, chính quyền ấp/khu phố, chính quyền cấp xã trong việc quản lý các đối tượng trên, phát động phong trào người dân hỗ trợ giám sát, phát hiện các đối tượng không thực hiện việc cách ly, xét nghiệm theo đúng quy định.
 
Tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch để kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Tăng cường công tác điều trị F0 tại nhà và cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo.
 
Tổ chức tốt việc tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 cho người dân theo hình thức cuốn chiếu, tiêm dứt điểm từng địa bàn ấp/khu phố, xã, tập trung đội tiêm của huyện, xã.
 
Riêng đối với tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chu đáo, an toàn. Trong đó, thời gian tiêm chủng cho trẻ em sẽ bắt đầu vào giữa tháng 11-2021 khi Bộ Y tế phân bộ vắc xin Pfizer về cho tỉnh; điểm tiêm vắc xin cho trẻ em tổ chức tại trường học. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học chuẩn bị sẵn sàng danh sách học sinh và địa điểm để việc tiêm chủng cho học sinh diễn ra an toàn, nhanh chóng.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh giao Sở Y tế tham mưu xây dựng phương án ứng phó phòng, chống dịch trên địa bàn theo từng cấp độ dịch; tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn xử lý ổ dịch trong phạm vi doanh nghiệp.
 
THỦY HÀ
.
.
.