Tiền Giang: Ngăn chặn từ sớm, từ xa bệnh chuyển nặng
(ABO) UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo:
Về công tác điều trị: Giao Sở Y tế rà soát, trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất... phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tăng cường tập huấn, hội chẩn (định kỳ, đột xuất...), hướng dẫn trực tuyến về chuyên môn để điều trị ngay từ cơ sở, ngăn chặn từ sớm, từ xa tình trạng bệnh chuyển nặng.
Phân công ca trực, kíp trực, bố trí đầy đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện dã chiến, đặc biệt là ở tầng 3 và ICU, đảm bảo số lượng và trình độ chuyên môn của các bác sĩ, điều dưỡng theo quy định.
Đối với việc điều trị F0 tại nhà: Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện quy trình quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà cho phù hợp với yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hạn chế đến mức thấp nhất F0 tại nhà tử vong.
Rà soát các trang thiết bị, đặc biệt là bình oxy nhỏ (loại 20 lít), máy tạo oxy, máy SpO2, tính toán trang bị đầy đủ cho các đơn vị cấp xã. Kiểm tra việc phân bổ thuốc điều trị Covid-19 cho các địa phương, đặc biệt là túi thuốc A; có thể khuyến cáo người dân mua bổ sung để hỗ trợ việc điều trị, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Hướng dẫn cụ thể, chi tiết công tác quản lý, cách ly, điều trị F0, F1 cho nhân viên các trạm y tế.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác cách ly, điều trị mới bằng nhiều hình thức (trên phương tiện thông tin đại chúng, qua tin nhắn điện thoại...).
Giao Sở Y tế nghiên cứu, giao trách nhiệm chính trong việc quản lý, theo dõi F0 cách ly tại cơ sở cho một trong các đơn vị sau: Trạm y tế tuyến xã, trạm y tế lưu động tuyến xã hoặc liên xã, Tổ Covid cộng đồng, phòng khám đa khoa khu vực... (các đơn vị còn lại thực hiện nhiệm vụ phối hợp), từ đó hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.
Đối với phòng khám đa khoa khu vực: Giao Sở Y tế nghiên cứu mô hình hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực như mô hình trạm y tế lưu động liên xã, thực hiện chức năng theo dõi, điều trị F0 tại cơ sở; có thể chỉ đạo, điều động nhân sự của các trung tâm y tế xuống hỗ trợ cho hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực; báo cáo xin ý kiến Bộ Y tế đối với việc theo dõi, điều trị F0 của các phòng khám đa khoa khu vực để làm cơ sở triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Về số điện thoại đường dây nóng: Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thiết lập số điện thoại đường dây nóng ở từng xã, phường, thị trấn: sử dụng số điện thoại của trạm y tế (hoạt động 24/24 giờ, công khai trên tờ bướm để phát cho người dân, các F0...); quy trách nhiệm cho trạm y tế xã và cá nhân được phân công trực phải đảm bảo trực 24/24 giờ, tiếp nhận đầy đủ thông tin gọi đến; kiểm tra hoạt động của các số điện thoại này, đồng thời nghiên cứu mở thêm số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời, đầy đủ thông tin phản ánh của người dân, F0, F1…
Về xét nghiệm: Sở Y tế phổ biến cho các địa phương: Đối với việc test nhanh dương tính thì xử lý như ca dương tính và tiến hành cách ly, điều trị; nhưng trong quá trình điều trị, nếu F0 có triệu chứng hoặc chuyển biến nặng hơn thì phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR để đảm bảo việc điều trị theo đúng quy định.
Việc test nhanh đầu vào đối với F1: Giao Sở Y tế nghiên cứu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.
Về vấn đề tử vong: Giao Sở Y tế xem lại nguyên nhân tử vong trong 2 tuần trở lại đây; lưu ý bệnh nhân có thời gian nhập viện đến lúc tử vong rất ngắn, người trẻ tuổi không có bệnh nền hoặc bệnh đơn giản (như tăng huyết áp, trầm cảm...); tử vong ở tầng điều trị nào... và để ra giải pháp khắc phục.
Các vấn đề khác: Giao Sở Y tế hướng dẫn cụ thể các nội dung sau: Các đối tượng nào phải đưa đi điều trị tại cơ sở y tế (F0 là người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, phụ nữ đang mang thai, người có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở...).
Các đối tượng phải xét nghiệm RT-PCR (người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, người kết thúc cách ly...).
Một số địa phương có tình trạng người dân tự test nhanh dương tính nhưng không khai báo, dẫn đến bệnh chuyển nặng và tử vong; giao Sở Y tế kiểm tra các trường hợp này, nghiên cứu có giải pháp để thống nhất quản lý, điều trị kịp thời và đảm bảo chế độ cho các F0 sau này.
Việc cách ly F0 tại các doanh nghiệp: UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã nơi doanh nghiệp đóng trụ sở ra quyết định cách ly, điều trị.
Giao Sở Y tế: Sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của các trung tâm y tế tuyến huyện, chỉ điều trị F0 ở tầng 2 để tăng cường công tác cách ly, điều trị tại nhà, tại tuyến xã,
Thành lập các tổ kiểm tra công tác quản lý, cách ly, điều trị F0, F1 tại 172 xã, phường, thị trấn; tổng hợp tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc để chấn chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Tăng cường động viên, khích lệ tinh thần của lực lượng bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức tri ân, khen thưởng cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (Y tế, Công an, Quân sự).
Yêu cầu Sở Y tế, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện.
H.A