.

Tiền Giang phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2030

Cập nhật: 09:22, 23/11/2021 (GMT+7)

Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Tiền Giang xếp hạng 12 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Ngày 27-4-2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2019 về công bố danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh. Theo đó, Tiền Giang là địa phương nằm trong vùng mức sinh thấp.

Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Tiền Giang xếp hạng 12 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Tiền Giang xếp hạng 12 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

HỆ LỤY TỪ SUY THOÁI DÂN SỐ

Theo số liệu mới nhất trong Quyết định 2019 về công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2025, có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, trong đó có Tiền Giang; vùng có mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố và 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế. Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội cũng như phát triển đất nước.

Trong đó, riêng về vấn đề mức sinh thấp, nếu để mức sinh “tụt” quá thấp, thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, mức sinh thấp sẽ gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Nghĩa là, khi mức sinh thấp kéo dài không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số suy giảm.

Bên cạnh đó, với những quốc gia có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi và với việc chuyển đoàn hệ trong dân số sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Hơn nữa, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư). Đặc biệt, do mức sinh thấp gây ra các hệ lụy nêu trên nên sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng là tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng.

Cụ thể, khi mức sinh thấp gây già hóa dân số nhanh sẽ kéo theo gia tăng quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cao gấp 7 - 8 lần so với chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là khó khăn thách thức đối với gia đình mà còn với cả xã hội, nhà nước.

Cùng với đó, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư nên kéo theo các dịch vụ đi kèm để cung cấp cho người nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện… Điều này gây nguy cơ xung đột do những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, kỹ năng làm việc, cạnh tranh việc làm do quá trình di cư - nhập cư…

Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam vào năm 2030, ngành Dân số cần tiếp tục mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số; có chiến lược truyền thông để đưa mức sinh thấp về mức sinh thay thế; tuyên truyền để thay đổi nhận thức “trọng nam, khinh nữ”, không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như đẩy mạnh chương trình tầm soát trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng...

GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẠT MỨC SINH THAY THẾ

Thực trạng mức sinh của tỉnh những năm gần đây luôn thấp dưới mức sinh thay thế, cụ thể số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2014 là 1,75 con, 2015 là 1,62 con, năm 2016 là 2 con, năm 2017 là 1,99 con, năm 2018 là 1,68 con, năm 2019 là 1,82 con.

Thực trạng này rất cần phải thực hiện các giải pháp nhằm điều chỉnh tăng dần mức sinh để đến năm 2030, mức sinh của tỉnh đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của 1 phụ nữ trong diện tuổi sinh đẻ là 2,1 con). Chính vì vậy, ngày 30-12-2020, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 356 thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể. Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có chỉ tiêu cụ thể đạt mục tiêu đạt mức sinh thay thế. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chủ trì, huy động các ngành, đoàn thể, tích cực vận động nhân dân thực hiện mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hành động số 25 ngày 26-12-2017 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội trong chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số…

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. Thí điểm triển khai thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn theo hướng dẫn của Trung ương. Cung cấp cho nam, nữ thanh niên các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con…

Ba là, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế: Xem xét không giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từng bước thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng theo hướng dẫn của Trung ương. Thực hiện thí điểm các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, như: Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, xây dựng câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con (mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên cho con học tại các trường công lập, thuận tiện với nơi làm việc, sinh sống…).

Bốn là, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan. Phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn. 

Triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản theo hướng dẫn của Trung ương.

Năm là, cập nhật kiến thức mới, tập huấn đội ngũ cộng tác viên dân số thực hiện đầy đủ, có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sinh đủ 2 con và tham gia cung cấp một số dịch vụ tới tận hộ gia đình, đáp ứng nhiệm vụ chuyển trọng tâm từ giảm sinh sang sinh đủ 2 con. Đưa nội dung sinh đủ 2 con vào chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ngoài những giải pháp trên, cũng cần có chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Căn cứ Thông tư “Hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số” do Bộ Y tế ban hành (có hiệu lực từ ngày 10-3-2021), UBND tỉnh đang đề xuất HĐND tỉnh các mức khen thưởng cho xã 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

THU THỦY

.
.
.