Chủ Nhật, 19/12/2021, 14:17 (GMT+7)
.

Cấp bách giảm số người chết liên quan Covid-19

 

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi tại TP Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi tại TP Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và số người chết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Do vậy, bên cạnh việc triển khai các biện pháp chống dịch thì một trong những nhiệm vụ cấp bách là kéo giảm số người chết liên quan Covid-19.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, đợt dịch thứ tư đến ngày 16-12, cả nước ghi nhận 1.487.788 ca nhiễm Covid-19 và trong khi  có 1.061.644 trường hợp được công bố khỏi bệnh thì cũng đã có 28.857 ca tử vong. Trong bảy ngày qua, số ca tử vong trung bình trong cả nước là 239 người/ngày. Đáng chú ý, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.852 trường hợp, trong đó có 5.402 ca thở oxy qua mặt nạ; 1.271 ca thở oxy dòng cao HFNC; 193 ca thở máy không xâm lấn; 967 ca thở máy xâm lấn và 19 ca can thiệp ECMO.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh triển khai ngay các giải pháp giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly điều trị” theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 của Bộ trưởng Y tế.

Đáng chú ý, các bệnh viện cần thực hiện phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc và điều trị. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi tiếp nhận người bệnh, sàng lọc kỹ các đối tượng chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, kể cả các đối tượng mới tiêm một mũi vắc-xin; phối hợp trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương bố trí tiêm vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ khi đến khám bệnh, chữa bệnh (lưu ý với tất cả các trường hợp người bệnh phải nhập viện), để quan tâm chăm sóc, có chế độ dinh dưỡng, điều trị phù hợp và tổ chức tiêm chủng vắc-xin đầy đủ. Đối với 16 bệnh viện Trung ương được phân công hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố phía nam về công tác điều trị cần cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía nam có số ca nặng và tử vong cao.

Chăm sóc người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Chăm sóc người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo ngành y tế và các trung tâm hồi sức, điều trị Covid-19 các tỉnh phía nam, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành y tế các tỉnh và lực lượng hỗ trợ tiếp tục nỗ lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Đáng chú ý, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy số lượng ca mắc Covid-19 tại các địa phương phía nam tiếp tục tăng, do đó việc theo dõi quản lý F0 tại nhà phải có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế cho thấy, phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phố phía nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và phần lớn chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Vì thế, cùng với việc tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19, các tỉnh, thành phố phía nam cần phải tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để giám sát chủ động, rà soát tiêm vắc-xin phòng Covid-19, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đến điểm tiêm.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu tại tầng điều trị thứ ba phải tiến hành giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong điều trị chủ động thực hiện mô hình “bệnh viện chị em”, giữa bệnh viện tầng 3 với các tầng dưới phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt trong hội chẩn, chuyển tuyến bệnh nhân Covid-19 nặng phù hợp, kịp thời. Các bệnh viện cần quan tâm kỹ lưỡng đến công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, nhất là tại các trung tâm hồi sức tích cực. Các bệnh viện cũng cần thiết lập những nhóm điều trị theo bệnh lý nền không chỉ về hồi sức mà còn có chuyên gia về tim mạch, đái tháo đường...

Đối với đề xuất của các địa phương về thuốc điều trị, máy thở, Bộ Y tế sẽ điều phối, cấp phát ngay cho các địa phương. Riêng thuốc Molnupiravir, các địa phương gửi báo cáo đề xuất nhu cầu và khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lý và có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà và cộng đồng. Mặt khác, ngành y tế các địa phương tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố chỉ sử dụng lực lượng y tế cho chuyên môn y tế, lực lượng khác như đoàn thanh niên... hỗ trợ làm việc hành chính. Có như thế mới tạo nên sự phân bố nhân lực hợp lý.

Bộ Y tế cũng lưu ý, hiện nước ta chưa ghi nhận biến thể Omicron, nhưng nguy cơ xâm nhập, lây lan là rất lớn và cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ như: nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế nguy cơ tử vong là rất cấp thiết và để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.

(Theo nhandan.vn)
 

.
.
.