Khởi động Dự án thả muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia phòng, chống sốt xuất huyết
(ABO) Dự án Wolbachia khu vực phía Nam do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tổ chức đạp xe diễu hành trên các tuyến đường của TP. Mỹ Tho để khởi động Dự án Wolbachia, mang đến một phương pháp mới trong phòng, chống sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Diễu hành tuyên truyền dự án tại TP. Mỹ Tho |
Dự án sẽ thả muỗi vằn mang Wolbachia, đã được chứng minh có thể giúp làm hạn chế sự lây truyền của sốt xuất huyết. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2022, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả tại 8 phường của TP. Mỹ Tho, từ phường 1 đến phường 8. Dự án Wolbachia khu vực phía Nam do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bình Dương thực hiện từ nguồn tài trợ của Chương trình Muỗi Thế giới (WMP) và tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam.
Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% các loài côn trùng như: Chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi. Các nghiên cứu đến nay cho thấy, khi muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giúp giảm lây truyền các mầm bệnh như: Sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika, vi rút Chikungunya và sốt vàng da ở người.
Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều. Từ đó, sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn truyền khác. Đây là một phương pháp tự nhiên, tự duy trì và có thể bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi vằn truyền mà không gây hại cho môi trường sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người.
THANH HOÀNG