.

Thu hẹp bất bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch

Cập nhật: 10:14, 08/12/2021 (GMT+7)

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với nam và nữ lại khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.

ĐẠI DỊCH COVID-19 KHIẾN PHỤ NỮ THÊM ÁP LỰC

Báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp chủ yếu do phụ nữ làm chủ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. (Ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19).
Khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. (Ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý IV năm 2020 tăng so với quý IV năm 2019 (quý IV năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên của nam là 2,12% và nữ là 1,90%, trong khi số liệu tương ứng của năm 2020 là 1,75% và 3,24%). Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III năm 2020 thì nhóm phụ nữ trẻ từ 15 đến 24 tuổi và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn.

Dịch Covid-19 xảy ra cũng làm gián đoạn việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế cũng như dinh dưỡng để dẫn đến nguy cơ về sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo.

Không những vậy, áp lực đối với đội ngũ nữ nhân viên y tế tuyến đầu cũng là không hề nhỏ. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc về tác động xã hội của Covid-19 đối với Việt Nam, bên cạnh công việc chuyên môn, hầu hết các nữ y, bác sĩ vẫn phải đảm nhận công việc chăm sóc gia đình, nên việc tạm thời đóng cửa trường học và sự thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc thay thế đã tác động rất lớn đến họ, đặc biệt vào thời điểm bị quá tải công việc trong cơ sở y tế.

Trong khi đó, việc đóng cửa trường học cũng tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các trường học. Đặc biệt là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ. Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợp đồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khỏe cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hằng tháng đã gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm của các nguồn lực trong cộng đồng… đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng.

THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH

Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong bối cảnh đại dịch đang tác động đến mọi mặt đời sống của người dân.

Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Trong thời gian qua, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Từ ngày 1-1-2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang bảo đảm quyền đối với mọi người lao động, kể cả nữ và nam. Việc áp dụng những quy định riêng đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới cùng các nội dung mới trong năm 2021 sẽ thúc đẩy, đảm bảo hơn các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm giữa nam và nữ.

Cùng với Bộ luật Lao động 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đảm bảo quyền đối với lao động nữ và nam.

Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó gần đây nhất là Nghị quyết 28 ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược đã được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với thực hiện. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

P. NGHI

.
.
.