Thứ Tư, 15/12/2021, 13:33 (GMT+7)
.

Tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine

Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 15-17 tuổi tại Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 15-17 tuổi tại Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Trong cuộc chiến chống Covid-19, vaccine được xác định là "vũ khí" đóng vai trò quan trọng, vừa trước mắt vừa lâu dài. Do đó, không ít lần Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên cả nước và chậm nhất đến ngày 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, Việt Nam đã rất tích cực tìm kiếm nguồn vaccine khác nhau như: kêu gọi hỗ trợ từ các nước, tổ chức quốc tế; đặt mua; thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước. Đến nay Việt Nam đã ký hợp đồng mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó đã tiếp nhận 156,4 triệu liều... Những con số đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, ngành y tế trong việc trang bị "vũ khí" chống dịch.

Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine từ đầu tháng 3/2021, có chậm một chút so với các nước, nhưng sau đó đã có bước bứt tốc khá ấn tượng. Để thúc đẩy việc tiêm vắc- xin nhanh và kịp thời hơn nữa, trong Nghị quyết số 128/NQ-CP, Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiêm vaccine để tiến tới đạt tỷ lệ bao phủ vaccine toàn dân.

Đến ngày 14/12, đã có hơn 133,7 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân, tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 96,7% và tiêm đủ hai mũi đạt 79,1%. Bên cạnh đó các địa phương đã tiêm 7,35 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; một số địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm mũi bổ sung cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Điều đó cho thấy chiến lược vaccine của Việt Nam khá linh hoạt và phù hợp diễn biến dịch...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Y tế những ngày gần đây, tiến độ tiêm của cả nước có xu hướng giảm nhiều, tỷ lệ sử dụng vaccine trong tổng số vaccine được phân bổ của nhiều địa phương còn thấp trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa cao (dưới 85%). Trong tuần đầu tháng 12, cả nước chỉ tiêm được 4,8 triệu liều vaccine, giảm tới 5,7 triệu liều so với tuần trước đó.

Với nguồn cung vaccine khá nhiều như hiện nay, thậm chí sang năm 2022 (dự kiến) có thêm nguồn vaccine sản xuất trong nước, Việt Nam không hề thiếu vaccine, thậm chí đủ cung cấp để các địa phương hoàn thành tiêm mũi bổ sung. Vì vậy, các địa phương cần bám sát tình hình, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine được đúng, đủ và nhanh nhất có thể.

Các tỉnh, thành phố cần sát sao, cụ thể trong thực hiện chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiêm vaccine cần phải tiêm ngay... để chậm nhất đến ngày 31/12 hoàn thành mục tiêu tiêm đủ hai mũi cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Mặt khác cũng khẩn trương triển khai để hết quý I/2022 hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho tất cả các đối tượng theo thứ tự ưu tiên, nhất là các đối tượng tuyến đầu chống dịch, người 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền.

Trong khi chờ đợi vaccine dành cho lứa tuổi dưới 10 được cấp phép sử dụng, các tỉnh, thành phố cũng cần rà soát, lập danh sách, sàng lọc sức khỏe để khi có vaccine sẽ triển khai tiêm ngay cho nhóm này.

Do thời hạn hoàn thành bao phủ tiêm vaccine ở 63 tỉnh, thành phố theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa nên rất cần sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả người dân Việt Nam với tinh thần ý thức tiêm sớm, tiêm đủ vaccine để bảo vệ sức khỏe, góp phần tạo ra sự miễn dịch trong cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Địa phương nào không hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Y tế sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.