.

Tuân thủ 5K để "sống chung" an toàn với Covid-19

Cập nhật: 09:49, 03/12/2021 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, mọi sinh hoạt, sản xuất hầu như trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hiện số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Tiền Giang vẫn tăng hơn nhiều so với thời gian trước đó, nhưng số bệnh nhân nặng và tử vong không tăng, mà có chiều hướng giảm. Điều này cho thấy các biện pháp thực hiện để “sống chung” an toàn với Covid-19, trong đó quan trọng là vắc xin và “5K” đã phát huy hiệu quả.

TÌNH HÌNH DỊCH ĐƯỢC KIỂM SOÁT

Từ khi thực hiện Nghị quyết 128, diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương khác trong cả nước đều có diễn biến phức tạp với số ca mắc Covid-19 tăng cao hơn nhiều so với thời gian trước đó, đặc biệt là có nhiều bệnh nhân Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng. Tại Tiền Giang, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128, có những ngày số ca mắc Covid-19 được phát hiện lên đến hơn 600 ca, tuy nhiên hiện tại tình hình dịch đã được kiểm soát khá tốt, với số ca mắc đã có chiều hướng giảm nhưng diễn biến dịch là hết sức phức tạp.

 Tiêm vắc xin và 5K vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Tiêm vắc xin và 5K vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Yếu tố nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được Sở Y tế xác định là do người dân đi lại nhiều sau khi nới lỏng giãn cách xã hội làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát. Người đi khám bệnh và điều trị nội trú tại các bệnh viện ở vùng có dịch về lây nhiễm cho người cùng nhà. Tài xế đi đến vùng có dịch, bị lây nhiễm về lây cho người nhà và hàng xóm. Nhóm đối tượng nguy cơ không được tầm soát. Có sự giao lưu trong khu phong tỏa, gây ra ổ dịch mới. Người dân tiếp tế lương thực cho người thân trong khu cách ly tập trung không đúng quy định làm lây lan dịch từ khu cách ly ra cộng đồng.

Một số công ty có lượng công nhân lớn hoạt động không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch gây phát sinh ổ dịch lớn và phức tạp. Các công ty ngoài khu, cụm công nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi về hằng ngày, bị nhiễm từ nơi cư trú và lây lan cho các công nhân khác trong công ty, thành các ổ dịch lớn. Truy vết sót F1 do người dân khai báo không trung thực về lịch trình và tiếp xúc. Số lượng lớn người dân về từ các tỉnh, thành có tình hình dịch bệnh phức tạp như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nguy cơ lây nhiễm cho người nhà.

Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa ký Quyết định 1875 công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tuần từ ngày 25-11 đến ngày 1-12. Đây là lần đánh giá cấp độ dịch thứ 8 của tỉnh Tiền Giang. Theo Quyết định 1875, Tiền Giang đang ở cấp độ 2, tức mức nguy cơ trung bình. Toàn tỉnh có 8 huyện, thị ở cấp độ 2 và 3 đơn vị cấp độ 3 gồm TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Như vậy, so với tuần trước đó, TP. Mỹ Tho đã chuyển từ vùng nguy cơ lên vùng nguy cơ cao; ngược lại huyện Châu Thành đi từ vùng nguy cơ cao xuống thành vùng nguy cơ.

SỐ CA TỬ VONG KHÔNG TĂNG

Trong 4 tuần từ ngày 20-9 đến 17-10, toàn tỉnh ghi nhận 1.952 ca mắc Covid-19, thì có 54 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 2,7%. Từ ngày 15 đến 30-11, toàn tỉnh ghi nhận 7.069 ca mắc mới, thì có 109 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 1,54%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong 2 tuần gần nhất không tăng so với trước đó. Đa số (90%) ca tử vong là người trên 50 tuổi có một hoặc nhiều bệnh nền kèm theo, trong đó có nhiều bệnh nền giai đoạn cuối (ung thư, tim mạch, bệnh lý mạch máu não, phổi tắc nghẽn mạn tính…); chỉ có dưới 5% tử vong không kèm bệnh nền.

BSCK2 Trần Thanh Thảo cho rằng, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 4800, chúng ta trở về tình trạng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang hiện thấp hơn tỷ lệ tử vong của cả nước, trong mức chấp nhận được (dưới 2%), đó là nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin đủ 2 mũi cao.

Theo BSCK2 Trần Thanh Thảo, Tiền Giang chưa được cấp cũng như chưa có thuốc kháng vi rút dạng uống (Molnupiravir). “Nếu có thuốc kháng vi rút uống cho người có triệu chứng nhẹ thì tỷ lệ bệnh nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể. Khi đã tiêm đủ liều vắc xin cho người 18 tuổi trở lên trên 80%, chúng tôi khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc bệnh thì báo cơ quan y tế để được quản lý và khi có triệu chứng thì vào bệnh viện. Các biện pháp phòng, chống dịch hiện đã và đang làm, góp phần làm cho tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh không tăng”, BSCK2 Thảo cho biết thêm.

THỦY HÀ

.
.
.