Cha mẹ làm gì khi bé bị sương mù não sau Covid-19?
(ABO) Bé Nguyễn Bảo N., 10 tuổi, nhà ở phường 1, TP. Mỹ Tho bị mắc Covid-19 sau khi ba của bé N. là F0 trước đó 5 ngày. Do cháu N. chưa được tiêm ngừa vì chưa đủ tuổi, nên ba mẹ cháu rất lo lắng. Bác sĩ trạm y tế cho biết cháu bị Covid-19 nhẹ, nên được cách ly và theo dõi tại nhà.
Ngoài việc uống thuốc hạ sốt khi bị sốt, mẹ bé N. còn ép bé ăn thật nhiều, những món ăn nào bé thích thì mẹ đều nấu và uống nhiều nước trái cây. Có lẽ cháu cũng lo y như mẹ, nên làm theo mẹ, như đo oxy máu ngày 3 lần, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không ra khỏi phòng cách ly suốt cả tuần. Rồi bé N. cũng khỏi bệnh sau 1 tuần.
Một tháng sau khi khỏi bệnh, tự nhiên mẹ thấy bé N. có biểu hiện lạ như bé hay lơ đãng, học không nhớ, thi online học kỳ I làm không hết bài. Mẹ bé đưa bé đến bác sĩ khám. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của N, rồi nói bé bị chứng sương mù não sau nhiễm Covid-19.
Bác sĩ cho biết: “Sương mù não không phải là một bệnh, nên nó không nguy hiểm đến tính mạng, nó chỉ là cảm giác của người bị di chứng hậu Covid-19, cảm giác đó bao gồm sự mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, mờ nhạt, không nhạy bén, khó tập trung và hay quên. Cảm giác này sẽ biến mất sau vài tháng, nếu gia đình chăm sóc bé tốt”.
Sương mù não là gì? Tại sao bị di chứng này?
Về chuyên môn, sương mù não (brain fog) là một hậu quả phổ biến của Covid-19, ảnh hưởng đến khoảng 67% bệnh nhân sau mắc Covid-19. Đó là hiện tượng suy nghĩ chậm chạp, trí nhớ giảm sút, thiếu tập trung. Đây là các triệu chứng thường xuyên ở những người trưởng thành mắc Covid-19. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể có các triệu chứng tương tự, nhưng các bé đãng trí hơn, khó tập trung hơn. Trẻ trên 6 tuổi có thể đọc chậm hơn, cần lặp lại nhiều lần hơn trong khi học.
Có 4 nguyên nhân gây ra chứng sương mù não sau mắc Covid-19 là: Thiếu oxy lên não đối với người bệnh tổn thương phổi nặng; phản ứng viêm ảnh hưởng đến tế bào não; rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể; thiếu lưu lượng máu do sưng các mạch máu nhỏ trong não.
Các nhà khoa học đã tìm thấy mức độ protein tăng cao quá mức bình thường trong dịch não tủy. Chúng ta biết các bệnh lý liên quan đến màng não, não, tủy sống hay hệ thống các não thất, protein trong dịch não tủy thường tăng cao, kéo theo tình trạng tăng tính thấm các tế bào nội mạc và phá vỡ hàng rào bảo vệ máu - dịch não tủy, khiến các vi sinh vật gây bệnh dễ xâm nhập hơn, trong đó có virus corona.
Ngoài protein, trong tủy sống còn có sự hiện diện của các kháng thể thuộc hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt trong máu, chứng tỏ xảy ra phản ứng viêm toàn thân, có thể đây là các kháng thể tự miễn tấn công chính tế bào não người bệnh. Trong tình huống viêm quá mức, sẽ có các tế bào miễn dịch xâm nhập vào não và xung quanh não, màng não. Và thông qua sự tương tác trực tiếp của các tế bào miễn dịch này với các tế bào não đã ảnh hưởng đến chức năng của não.
Bệnh Covid -19 dù nặng hay nhẹ đều có thể gặp di chứng sương mù não hậu Covid-19.
Ba mẹ nên làm gì nếu con bị sương mù não sau Covid-19?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là đến gặp bác sĩ, kể cho bác sĩ biết tất cả các triệu chứng kéo dài bé đang gặp phải. Ngoài chứng sương mù não, ba mẹ cần lưu ý các triệu chứng thần kinh khác như suy nhược, tê, ngứa ran, mất khứu giác hoặc vị giác, các vấn đề hô hấp như khó thở, đánh trống ngực. Nếu có nước tiểu hoặc phân bất thường cũng cần ghi nhớ để khai với bác sĩ. Nếu bác sĩ cho bé về nhà chăm sóc, ba mẹ cần thực hiện 5 nội dung sau:
1. Hướng dẫn bé tập thể dục hằng ngày, tùy theo lứa tuổi mà có các môn phù hợp như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy bộ, cầu lông… cần bắt đầu chậm, có lẽ chỉ 2 đến 3 phút một vài lần một ngày. Mặc dù không có “liều lượng” tập thể dục được thiết lập để cải thiện sức khỏe não bộ, nhưng thông thường nên tập 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
2. Ăn các bữa ăn bổ não như dầu ô liu, trái cây, rau, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện khả năng tư duy, trí nhớ và sức khỏe não bộ.
3. Ngủ đủ giấc. Ngủ là thời gian mà não và cơ thể có thể đào thải chất độc ra ngoài và hướng tới việc chữa bệnh. Thời gian ngủ của bé từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày.
4. Tham gia các hoạt động trong gia đình và xã hội. Có nhiều hoạt động trong gia đình như hướng dẫn bé lặt rau, rửa chén, phụ mẹ chuẩn bị chế biến, dọn thức ăn, quét nhà, dọn dẹp nhà cửa… Trong xã hội, các bé lớn có thể duy trì nhóm năng khiếu như vẽ, nhạc, thể thao, tham quan, du lịch. Các hoạt động gia đình và xã hội không chỉ có lợi cho tâm trạng của bé, mà còn giúp ích cho cả suy nghĩ và trí nhớ của bé.
5. Rèn luyện bộ nhớ hằng ngày: Virus làm tổn thương các tế bào của bộ nhớ, vì vậy để lấy lại trí thông minh đã mất, lấy lại khả năng tư duy nhận thức và trí nhớ, người bệnh cần dành nhiều thời gian trong ngày để rèn luyện bộ nhớ như học ngoại ngữ, chơi các câu đố, trò chơi trí nhớ và các hoạt động mà khiến não người bệnh làm việc tích cực hơn. Đồng thời, hướng dẫn bé kết hợp tập thư giãn đầu óc như yoga, ngồi thiền, khí công và giữ một thái độ tinh thần tích cực.
Đề phòng di chứng sương mù não, bà con cần giữ bình tĩnh, động viên an ủi bé, giúp bé vượt qua nỗi sợ hãi quá mức. Sự sợ hãi làm bé suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào não của bé. Sương mù não sẽ chấm dứt sau vài tháng nếu được chăm sóc tốt, hiếm khi kéo dài quá 7 tháng.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC