Thứ Sáu, 07/01/2022, 10:05 (GMT+7)
.

Có phải Omicron bạo phát, bạo tàn?

(ABO) Ngày 31-12-2021, TP. Hồ Chí Minh công bố phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron; đến ngày 1-1 xét nghiệm lại, cả 5 người đều âm tính sau 5 - 7 ngày mắc bệnh. Nhiều bạn thắc mắc có phải Omicron bạo phát, bạo tàn hay không?

Omicron bạo phát

Đúng vậy. Các nhà khoa học đã xác định thời gian ủ bệnh trung bình, tức là thời gian trung bình khi nhiễm Omicron cho đến khi khởi phát triệu chứng chỉ có 73 giờ. Rõ ràng nó ngắn hơn thời gian ủ bệnh của biến thể Delta, Delta khoảng 4 - 5 ngày.

Theo một nghiên cứu từ Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH), những người tham dự một bữa tiệc Giáng sinh cách nay một tuần được tổ chức tại Oslo cũng xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 trong vòng 3 ngày sau khi tiếp xúc với biến thể Omicron. Trong số 111 người tham dự bữa tiệc Giáng sinh mắc biến thể Omicron, có 73% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ.

Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì khả năng lây nhiễm càng nhanh. Lý do đơn giản là người bệnh lây cho người khác trước khi có triệu chứng 2 ngày và kéo dài thêm 3 ngày sau khi có triệu chứng. Nếu nhiễm Omicron thì chỉ cần 1 ngày là có thể lây cho người khác.

Một nghiên cứu năm 2021 được công bố bởi Trường Y tế Công cộng Đại học Boston trong JAMA Internal Medicine cho thấy, những người bị nhiễm Covid-19 dễ lây lan nhất 2 ngày trước và 3 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Theo Hawkins, hầu hết các trường hợp lây truyền xảy ra trong khung thời gian đó, trước khi người đó nhận ra họ bị bệnh. Sau đó, khi tải lượng virus giảm theo thời gian, việc lây lan virus sang người khác trở nên ít có khả năng hơn. Như vậy, Omicron rất bạo phát.

Omicron có bạo tàn không?

Không. Thời gian mắc bệnh lâu hay nhanh tùy thuộc vào khả năng đề kháng của từng người. Sức đề kháng phụ thuộc vào tình trạng tuổi tác, bệnh nền, khả năng miễn dịch, tiêm ngừa bao nhiêu mũi… Mặc dù nhiều thống kê cho thấy, nhiễm Omicron đa số là bệnh nhẹ hoặc trung bình, nhưng vẫn có trường hợp tử vong. Như vậy, Omicron không có bạo tàn.

Do đó, người dân không nên chủ quan, cũng không nên quá sợ hãi. Cần bình tĩnh đối phó với biến chủng mới như chúng ta đã từng trải nghiệm các làn sóng dịch lần trước. Hiện tại, các biện pháp phòng vệ cá nhân vẫn chứng tỏ hiệu quả cao như tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và khi tụ tập với những người từ bên ngoài gia đình. Đặc biệt chú ý đến chất lượng khẩu trang, người dân nên chọn khẩu trang y tế và đeo khẩu trang đúng cách, bảo đảm che kín mũi và miệng cùng lúc; tiếp tục tiêm ngừa đầy đủ và mũi tăng cường; điều trị sớm nhất khi mắc bệnh, nhất là người có bệnh nền và tuổi trên 65.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.