.

Cộng đồng trách nhiệm thực hiện mục tiêu dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc

Cập nhật: 22:00, 01/01/2022 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2021), Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12, các thế hệ làm công tác dân số càng trân trọng những thành quả đạt được, qua đó đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình triển khai thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Đồng thời, từng bước nỗ lực xây dựng và phát triển sự nghiệp dân số qua từng giai đoạn, vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển.

THÀNH TỰU

Nhìn lại sự nghiệp dân số trong 60 năm qua và nhất là trong giai đoạn 10 năm gần đây của tỉnh Tiền Giang, chúng ta càng tự hào với những thành quả đạt được. Đó là quy mô gia đình ít con đã được đa số người dân chấp nhận thực hiện, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên có xu thế giảm dần. Kết quả giảm sinh đã làm giảm đáng kể sức ép về trường lớp cho số lượng học sinh khá lớn ở các cấp. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng; lao động nông nghiệp giảm. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh có 62,02% bà mẹ mang thai, 88,83% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh tật. Tuổi thọ trung bình người Tiền Giang 74,4 tuổi năm 2009, tăng lên 76 tuổi năm 2019.

Cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đạt mục tiêu dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình  hạnh phúc (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đạt mục tiêu dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng được nhu cầu lao động, góp phần giải quyết ổn định tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số có bước đột phá. Truyền thông DS-KHHGĐ được xác định là một giải pháp cơ bản, triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đã kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình.

Phát huy vai trò cán bộ chuyên trách, có năng lực và uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được phát triển rộng khắp, gần dân. Phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ được đổi mới. Các dịch vụ KHHGĐ được cung cấp ở tận cơ sở; đồng thời, được tăng cường bởi các cơ sở y tế tư nhân. Nhiều dịch vụ đã được đưa đến tận nơi người có nhu cầu. Tiền Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện tầm soát trước sinh, sơ sinh nhằm nâng chất lượng dân số.

Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bước đầu được quan tâm; các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi đã có những bước phát triển. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số được thành lập từ tỉnh đến cơ sở, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, công tác quản lý điều hành về công tác dân số được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, phân công các ban, ngành, đoàn thể tham gia thực hiện, góp phần không nhỏ vào sự thành công của công tác dân số tỉnh nhà.

THÁCH THỨC

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn hạn chế, tồn tại và những khó khăn, thách thức phải tiếp tục phấn đấu vượt qua. Đó là mức sinh đã xuống thấp, dưới mức sinh thay thế. Mặc dù những năm gần đây, tỉnh đã có những điều chỉnh chính sách, thực hiện các hoạt động truyền thông theo hướng làm tăng mức sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại. Năm 2019, mức sinh vẫn ở mức thấp 1,82 con, chưa đạt mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, việc nâng mức sinh sau khi đã hạ thấp là một vấn đề rất nan giải. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn, tỷ số giới tính khi sinh những năm gần đây vẫn biến động, có giảm nhưng chưa ổn định, chưa bền vững.

Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có giải pháp thích ứng. Tuổi thọ trung bình người Tiền Giang 74,4 tuổi năm 2009, tăng lên 76 tuổi năm 2019, cao hơn bình quân cả nước (73,6 tuổi năm 2019). Tiền Giang chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (tỷ lệ người cao tuổi 60 tuổi trở lên lớn hơn 10% tổng số dân), tỷ lệ này tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để thích ứng kịp với già hóa dân số.

Chưa phát huy khả năng, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức. Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2018 - 2025 theo Quyết định 5494 ngày 15-11-2017 của UBND tỉnh chỉ tập trung khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, trong khi việc khám chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi lẽ ra phải được thực hiện từ 60 tuổi.

Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tình trạng người có điều kiện kinh tế khó khăn, ít có điều kiện nuôi dạy con tốt lại đẻ nhiều con, trong khi người có kinh tế khá giả lại sinh ít con ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dân số.

Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh năm 2019 là 61,08%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng chỉ tầm soát một số bệnh tật: Bệnh Down, tan máu bẩm sinh, các dị tật thai... trong khi nhiều nước trong khu vực đã tầm soát được rất nhiều bệnh.

Tỷ lệ tầm soát sơ sinh cao nhưng chỉ mới tầm soát được 2 bệnh là thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh, trong khi nhiều nước trong khu vực đã tầm soát được rất nhiều bệnh. Tỷ lệ nam, nữ khám sức khỏe tiền hôn nhân rất thấp nhưng khó cải thiện (hằng năm chỉ đạt 5% - 7%)...

Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Công tác truyền thông, giáo dục thực hiện chưa đồng đều giữa nhóm đối tượng. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp. Biên chế công chức, viên chức được giao để thực hiện công tác dân số ở tuyến tỉnh, huyện chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở và cộng tác viên dân số còn thấp nên thường xuyên biến động, hiệu quả hoạt động chưa cao…

Tự hào những thành quả đạt được, trân trọng công lao và kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo đi trước, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ hôm nay sẽ tiếp tục phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức; khắc phục những hạn chế, tồn tại, xác định phương hướng và xây dựng các giải pháp hợp lý cùng cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu đưa sự nghiệp dân số vươn lên, thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đạt mục tiêu dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

BSCK2 TRẦN THANH THẢO

Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang

.
.
.