Tiền Giang được cấp 120 ngàn viên Molnupiravir thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19
Từ khi tỉnh Tiền Giang áp dụng biện pháp cách ly điều trị F0 nhẹ và F0 không triệu chứng tại nhà, việc sử dụng thuốc của F0 là vần đề khiến người bệnh đặc biệt quan tâm. Không ít người bệnh lo lắng khi sử dụng toa thuốc điều trị của F0 khác để tự mua về sử dụng. Đặc biệt, việc các loại thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir được chào bán nhiều trên mạng xã hội mà người bệnh rất dễ tiếp cận nguồn thuốc này với giá khá cao nhưng không ai biết được đây là thuốc thật hay giả. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề sử dụng thuốc điều trị Covid-19 an toàn cho F0.
* Phóng viên (PV): Hiện nay, các loại thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir được chào bán trên mạng xã hội rất nhiều và có giá bán khác nhau. Xin bác sĩ cho biết chất lượng các loại thuốc này đang lưu hành trên thị trường?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Hiện tại, thuốc kháng vi rút được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19. Tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir... Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế (cập nhật ngày 12-12-2021) thì trong các loại thuốc có tác dụng kháng vi rút SARS-CoV-2, chỉ có Favipiravir hàm lượng 200/400 mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định. Trong khi đó thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện tại, Molnupiravir đang được dùng trong các chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
* PV: Như vậy việc tự ý dùng thuốc điều trị Covid-19 sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Mỗi loại thuốc kháng vi rút chỉ có tác dụng trên loại vi rút đặc trưng, nói cách khác, không thể đem thuốc điều trị vi rút này để dùng cho bệnh do vi rút khác gây ra. Các thuốc điều trị Covid-19 là thuốc kháng vi rút mới được nghiên cứu nên những đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Molnupiravir được sử dụng trong khuôn khổ chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. Do thuốc chỉ có ưu điểm trên một nhóm đối tượng bệnh nhân nhất định, phải kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ của thuốc và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không được tự ý sử dụng.
Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh. Để tránh mắc Covid-19, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin đầy đủ và tuân thủ “5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
* PV: Được biết, Tiền Giang là 1 trong những tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 vừa và nhẹ. Xin bác sĩ cho biết, việc triển khai phân bổ và quản lý chặt chẽ thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế cấp như thế nào?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Molnupiravir là thuốc thuộc chương trình nghiên cứu thí điểm điều trị có kiểm soát Covid-19. Thực hiện Quyết định 5890 ngày 28-12-2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt bổ sung đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, theo đó, Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh Tiền Giang 3.000 đối tượng tham gia nghiên cứu.
Sở Y tế đã tiếp nhận 120 ngàn viên Molnupiravir 200 mg và đã xây dựng kế hoạch phân bổ số lượng thuốc cho các cơ sở thu dung điều trị và quản lý F0 tại nhà cho chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát Covid-19; đồng thời, ban hành Quyết định 01 ngày 2-1-2022 phân bổ số lượng thuốc Molnupiravir 200 mg cho các cơ sở tham gia nghiên cứu chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát Covid-19.
Molnupiravir là thuốc chưa có số đăng ký và được thử nghiệm điều trị Covid-19 có kiểm soát theo đề cương của Bộ Y tế. Do vậy, tất cả mọi thủ tục hồ sơ từ quản lý, cấp phát thuốc cho đến đăng ký cơ sở tham gia nghiên cứu phải thực hiện hết sức khẩn trương và chặt chẽ. Khi nhận được 120 ngàn viên thuốc Molnupiravir, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ thuốc ngay và tiến hành lập các tổ để thực hiện nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế.
Triển khai chương trình nghiên cứu này, Sở Y tế đã phân bổ theo tỷ lệ số ca F0 tại các cơ sở thu dung điều trị và F0 tại nhà theo từng địa bàn quản lý. Quy trình triển khai như sau: Trước tiên người bệnh sẽ được bác sĩ khám sàng lọc và chọn bệnh nhân theo tiêu chuẩn nghiên cứu. Sau đó thực hiện tư vấn người bệnh về việc tham gia thử nghiệm; lấy phiếu xác nhận đồng ý tham gia chương trình nghiên cứu (gọi tắt là ICF); nhập bệnh án; cập nhật vào danh sách người bệnh tham gia nghiên cứu hằng ngày; xuất thuốc và giao thuốc đã phân sẵn theo liều cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc và tự chăm sóc tại nhà. Quá trình dùng thuốc của bệnh nhân được theo dõi và ghi nhận thông tin hiệu quả cũng như những bất lợi khi sử dụng thuốc…
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)