Thứ Bảy, 08/01/2022, 17:05 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Giảm ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19, ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ

Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh Tiền Giang, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hằng ngày, hầu hết các địa phương đều có ghi nhận ca mắc Covid-19, mặc dù ca mắc có giảm nhưng không thể lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Trong điều kiện sống chung với Covid-19 hiện nay, Tiền Giang ưu tiên thực hiện mục tiêu giảm ca bệnh nặng và bệnh nhân tử vong do Covid-19.

TỶ LỆ TỬ VONG GIẢM

Trong tuần (từ ngày 30-12-2021 đến 5-1-2022), toàn tỉnh ghi nhận 10.262 ca mắc Covid-19, trong đó ghi nhận bằng xét nghiệm PCR là 1.008 ca và ghi nhận bằng test nhanh kháng nguyên là 9.254 ca; có 69 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,67% trong số F0 ghi nhận trong tuần. Số liệu của tuần trước đó (từ ngày 23 đến 29-12-2021), tổng số ca mắc Covid-19 ghi nhận là 12.196 ca, với 103 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,84% trong số F0 ghi nhận trong tuần. Như vậy, so sánh số liệu tuần vừa qua với tuần trước đó cho thấy, số ca mắc Covid-19 ghi nhận của tỉnh giảm 1.934 ca, giảm 34 bệnh nhân tử vong, tỷ lệ tử vong giảm 0,17%.

Tiền Giang đang tiến hành tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung và tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tiền Giang đang tiến hành tiêm mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Ảnh: HẠNH NGA

Theo phân tích của ngành Y tế, tại Tiền Giang không có bệnh nhân Covid-19 dưới 18 tuổi tử vong. Bệnh nhân tử vong ở các nhóm tuổi: Từ 18 đến 30 tuổi khoảng 6,8%; từ 31 đến 50 tuổi khoảng 10%; từ 51 đến 70 tuổi chiếm 34% và gần 49% từ 71 tuổi trở lên. Như vậy, nhóm tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất là từ 50 tuổi trở lên. Xét về bệnh lý nền, có trên 93% bệnh nhân Covid-19 tử vong là người có từ 1 đến 4 bệnh lý nền kèm theo.

Các bệnh lý nền thường gặp, gồm: Tim mạch (suy tim, bệnh mạch vành, rung nhĩ, tăng huyết áp...); bệnh lý nội tiết (đái tháo đường, bướu giáp, gout...); bệnh lý hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, viêm phế quản…); bệnh lý và thể trạng trong giai đoạn suy giảm miễn dịch (ung thư, phụ nữ mang thai…); và một số bệnh lý mạch máu não, sốc nhiễm trùng…

Qua phân tích cho thấy, phần lớn bệnh nhân Covid-19 tử vong thuộc nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền. Do đó, những đối tượng này cần ưu tiên bảo vệ trong điều kiện sống chung với Covid-19. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang thông tin: Theo Tổ chức Y tế thế giới, phần lớn các trường hợp nhiễm trùng hiện tại và những trường hợp mắc Covid-19 được quan sát thấy ở những người chưa được chủng ngừa.

Nếu đột biến xảy ra ở những người đã được tiêm chủng, trong hầu hết các trường hợp, các biến cố ít nghiêm trọng hơn so với những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, dữ liệu mới đây liên tục cho thấy, sự suy giảm hiệu quả của vắc xin chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 và Covid-19 theo thời gian kể từ khi tiêm chủng và sự suy giảm đáng kể hơn ở người cao tuổi. Do đó, nhóm đối tượng này cần ưu tiên tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 tăng cường.

BẢO VỆ NHÓM NGUY CƠ

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 7961 về tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến.

Tiền Giang đang tiến hành tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung và tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tiền Giang đang tiến hành tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung và tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên.

Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ bệnh viện các tầng 1, 2, 3 đến tuyến cơ sở. Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực theo Đề án 3616 ngày 29-7-2021 của Bộ Y tế. Huy động các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân tham gia điều trị Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép” vừa triển khai khám, chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo Quyết định 5525 ngày 1-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay từ trạm y tế, Tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.

Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; đồng thời, đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế vừa ký Quyết định 15 công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tuần từ ngày
30-12-2021 đến 5-1-2022.
Theo Quyết định 15, Tiền Giang tiếp tục duy trì ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Trong tuần, đã tăng thêm 2 đơn vị cấp huyện “vùng xanh”. Theo đó,  tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện ở cấp độ 1, gồm TX. Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Tân Phú Đông; 4 đơn vị ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), gồm các huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây và TX. Gò Công. TP. Mỹ Tho tiếp tục là đơn vị ở cấp độ 3 (khu vực nguy cơ cao).
Về quy mô cấp xã, có 99 xã, phường, thị trấn bình thường mới, tăng 13 đơn vị “vùng xanh” so với tuần trước. Tỉnh có 52 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2, tăng 2 đơn vị so với tuần trước; 21 đơn vị ở cấp độ 3, giảm 15 đơn vị so với tuần trước. Tỉnh tiếp tục không còn đơn vị cấp xã ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) “vùng đỏ”.

Triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao để tiêm đầy đủ liều vắc xin và phòng, chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ. Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống... đầy đủ cho người bệnh.

Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa. Sở Y tế và các bệnh viện tầng 3 phải chủ động điều phối hoạt động chuyển tuyến giữa các cơ sở điều trị; chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Bố trí mỗi bệnh viện điều trị Covid-19 có ít nhất “2 tầng điều trị” để thuận tiện trong điều trị và chuyển tầng nội viện. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn. Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện…

Tăng độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng và vận động người dân nghiêm túc thực hiện “5K” vẫn được xác định là “chìa khóa” đẩy lùi dịch Covid-19. Hiện tại, 97,2% người từ 18 tuổi trở lên của Tiền Giang đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và tỷ lệ này là trên 84,6% ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Tiền Giang đang triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên trước cho đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và đặc biệt ưu tiên tiêm liều tăng cường để bảo vệ nhóm nguy cơ tử vong do Covid-19 là người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Dự kiến của tỉnh là hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I-2022.

THỦY HÀ

.
.
.