.

44.000 trẻ mắc COVID-19 trong 15 ngày: Không thể xem nhẹ tiêm chủng

Cập nhật: 17:59, 18/02/2022 (GMT+7)

Từ ngày 1 - 15-2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).

Sắp triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Sắp triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch của Việt Nam đã khác với tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Việt Nam đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị COVID-19, bên cạnh đó ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Hiện nay, việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết. Bộ Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều phụ huynh lăn tăn trước việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi này.

Biến chủng Omicron: Lây nhiễm nhiều ở nhóm trẻ chưa được tiêm

Theo thống kê của Bộ Y tế từ ngày 1 - 15-2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc của trẻ em dưới 18 tuổi là 19,2% (trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng.

Toàn quốc đã ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13-17 tuổi 0,11%; 6-12 tuổi 0,1% và 0-2 tuổi 0,18%.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị trực tuyến hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết tình trạng mắc COVID-19 ở trẻ em ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do trẻ được đi học, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vaccine cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus.

Theo các chuyên gia, thông thường trẻ khi mắc COVID-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sỹ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Trẻ mắc COVID-19 thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…

Đối tượng trẻ em mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà gồm: trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính (đối tượng này ngày càng nhiều); trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng. Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường- giống như cảm cúm, sốt virus; tránh lây nhiễm chéo trong gia đình.

(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trẻ mắc COVID-19 thường có bệnh cảnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn có một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu chỉ rõ mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng để báo cho cơ quan y tế và chuyển trẻ đến bệnh viện khi cần. Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng 'lựa chọn bệnh viện' không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện/ viện có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Số lượng trẻ nhiễm nhiều thì số ca nặng sẽ tăng

Hiện nay có nhiều phụ huynh cho rằng không muốn tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi bởi đa số trẻ mắc COVID-19 có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng.

Nói về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Tiến sỹ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cho hay trong thời gian vừa qua, các chuyên gia của NIHE đã làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng nhận thấy số lượng trẻ em mắc COVID-19 đang tăng theo thời gian.

Trước kia, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc không cao như nhóm người lớn. Nhưng hiện nay, số lượng nhiễm ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. Tỷ lệ lớn trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ là đúng nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ.

Tiến sỹ Thái cho hay: "Với nhóm tuổi chưa có vaccine, dù giữ gìn đến mấy, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ nhiễm tăng cao, tỷ lệ biến chứng vẫn cao. Nguy cơ này lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ liên quan tiêm vaccine."

Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19, thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Trẻ đã mắc COVID-19 vẫn cần tiêm vaccine

Có nhiều ý kiến phụ huynh băn khoăn việc trẻ đã từng mắc COVID-19 mạnh khỏe lại có cần tiêm vaccine nữa không?

Tiến sỹ Thái nhấn mạnh: “Có điều rất lạ ở virus SARS-CoV-2 khi nó tấn công vào cơ thể chúng ta lần đầu tiên, thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm, vì vậy trong hướng dẫn gần đây không chờ 6 tháng sau khi khỏi bệnh thì tiêm mũi tiếp theo. Chúng tôi khuyến cáo không chờ, nên tiêm ngay sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ nhiều hơn, góp phần vào hạn chế tái nhiễm sau này,  hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19 và tình trạng COVID-19 kéo dài. Sẽ có những trẻ vài tháng sau khi khỏi mới gặp hội chứng hậu COVID-19 vì virus gây tổn thương đa cơ quan, vật liệu di truyền virus để lại gây phản ứng ở đa tạng. Do đó, chúng tôi khuyến cáo trẻ khỏi rồi thì ta vẫn tiêm.”

Đến nay, có 44 quốc gia đã triển khai vaccine trẻ 5-11 tuổi. Theo Tiến sỹ Thái, kinh nghiệm từ các nước đã triển khai là bài học rất quý giá với Việt Nam. Các nước vẫn sử dụng hình thức triển khai như vaccine thông thường, dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn.

Tiến sỹ Thái cho biết vaccine cho trẻ 5-11 tuổi đóng liều không giống như vaccine mà trước đây dùng cho người lớn và trẻ lớn. Theo thông tin từ web của hãng và Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), liều lượng chỉ 10 microgram thay vì 30 microgram so với người lớn, tức là chỉ bằng 1/3.

Phác đồ tiêm hai liều cách nhau 21 ngày giống người lớn. Số lượng ml rút ra cũng không giống người lớn. Với trẻ nhỏ, mỗi liều 0,2 ml, tức là lượng tiêm ít hơn so với người lớn và trẻ lớn. Liều tiêm khác, triển khai tiêm cũng khác. Thời gian tới, trong tập huấn triển khai vaccine thì nhân viên y tế sẽ được hướng dẫn cẩn trọng để làm sao hiệu quả nhất.

Những báo cáo qua hàng chục triệu liều tiêm ở nhiều nước đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy. Nhưng những phản ứng khác như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ vẫn có và mức độ thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn./.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/44-000-tre-mac-covid-19-trong-15-ngay-khong-the-xem-nhe-tiem-chung/773670.vnp)

.
.
.