.

Năm mới linh hoạt để 'bình thường mới'

Cập nhật: 15:24, 01/02/2022 (GMT+7)

Thêm một năm nữa gồng mình chống dịch COVID-19, cuộc chiến ngày càng cam go hơn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, những biện pháp linh hoạt đã được áp dụng và cho hiệu quả.

b

Nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: TTXVN.

Cuộc chiến ngày càng cam go

Những ngày Tết đã cận kề, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi được coi là “cánh cửa hy vọng cuối cùng” của bệnh nhân COVID-19 nặng, vẫn là tiếng tít tít máy thở vẫn vang lên đều, cùng tiếng bước chân hối hả đi buồng bệnh quen thuộc của các y bác sĩ; nhưng công việc của họ dường như nặng lên rất nhiều. Số lượng bệnh nhân đang đông lên, ca nặng nhiều hơn.

Tranh thủ ngơi tay giữa ca trực, BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gạt mồ hôi cười hiền: “Chúng tôi đã dần quen rồi. Tuy nhiên với khối lượng công việc ngày càng tăng lên, chúng tôi cũng lo lắng sẽ khó có thể sát sao với từng bệnh nhân. Mặc dù vậy, tinh thần của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng trực chiến, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại chỗ và hỗ trợ các tuyến dưới khi cần thiết”.

Những ngày cuối năm, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng đông lên, toàn bộ cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với 500 giường bệnh đã phải dành riêng cho điều trị bệnh nhân COVID-19; và hiện nơi đây chỉ tiếp nhận điều trị các ca nặng, nguy kịch; các ca mức độ nhẹ và vừa các tuyến dưới đã có thể đảm nhiệm được.

Đã hai năm qua, Việt Nam cùng thế giới gồng mình chống chọi với dịch COVID-19. Mỗi làn sóng dịch nổi lên lại thêm những tình huống mới, mức độ nghiêm trọng hơn. Năm 2021 cũng là năm nhiều khó khăn, thử thách với ngành y tế Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, gây ra đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay. Dịch lan rộng ra nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vào các đô thị, khu công nghiệp… gây ra những tổn thất nặng nề. Ở thời kỳ cao điểm, số ca mắc tăng cao vượt mốc 10.000 ca/ngày; số ca tử vong tăng vọt lên tới hàng trăm ca mỗi ngày. Với những nỗ lực to lớn, nhất là lực lượng tuyến đầu, sự chung tay của người dân, đợt dịch lần thứ 4 đã dần được kiểm soát, cả nước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt , kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương luôn bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm: “5K - Vaccine - Điều trị- Công nghệ - Đề cao ý thức của nhân dân”.

Khi dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng, mỗi cấp xã, phường trở thành một “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân. Các biện pháp cách ly tại nhà cho F1, F0 cũng được mạnh dạn triển khai để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử bắt đầu từ tháng 7/2021 là điểm nhấn trong cuộc chiến chống dịch của Việt Nam. Nhờ “vũ khí” này được trang bị, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong do mắc COVID-19 đã giảm rõ rệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đến hết năm, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao so với các nước trên thế giới. Tỷ lệ người dân được tiêm đủ vaccine liều cơ bản là 66% (vượt chỉ tiêu đề ra của WHO là trên 40%); đạt 98% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine; đã triển khai tiêm cho trẻ 12- 17 tuổi. Việc bao phủ tiêm chủng đã tạo điều kiện thuận lợi để cả nước về trạng thái “bình thường mới”.

Niềm tin chiến thắng

Nhận định về tình hình dịch sắp tới, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng: “Nếu năm năm 2020 Việt Nam khá thành công với chiến lược ứng phó với COVID-19; các vụ dịch chỉ xảy ra lẻ tẻ ở các địa phương, thì năm 2021, chúng ta đã chịu tác động của các vụ dịch lớn, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi chiến lược ứng phó. Tuy nhiên, chúng ta có điểm mạnh là đã phủ được vaccine với tỷ lệ lớn, cộng với hệ thống điều trị, dự phòng đã từng được “thử lửa” qua các đợt dịch trước, Việt Nam đã vững mạnh hơn rất nhiều. Chúng ta đã tự tin để thay đổi chiến lược; chúng ta tự tin xác định chung sống an toàn với COVID-19; đặc biệt là vẫn duy trì các hoạt động kinh tế, đời sống bình thường, ngay cả khi dịch lưu hành tại cộng đồng”.

Tuy nhiên khi dịch lưu hành trong cộng đồng, cùng với việc đối mặt với các chủng virus biến thể mới, công tác chống dịch sẽ vẫn còn cam go, các lực lượng vẫn phải nỗ lực hết sức cùng với sự đồng hành là ý thức của mỗi người dân.

 “Cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước nói chung và ngành y nói riêng còn khó khăn, thách thức, nhưng tất cả những điều đó không làm các chiến sĩ áo trắng chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau chúng ta là hàng triệu người dân đang dõi theo, tin cậy và hy vọng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Theo Báo Tin tức (TTXVN)

.
.
.