BÀI 1: Ứng phó với "bão" Covid-19
Tính từ ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (ngày 3-6-2021, Bộ Y tế gắn mã bệnh nhân ngày 5-6-2021) đến nay đã gần 270 ngày cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế tỉnh nhà phải căng mình nơi “tuyến lửa”. Những vất vả, hy sinh thầm lặng của họ trong tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19 không gì có thể đong đếm hết. Trong gian khó của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phẩm chất “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc càng thêm tỏa sáng…
“Cơn bão” Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã quét qua địa bàn Tiền Giang với cường độ và tốc độ chưa từng có. Số ca F0, F1, ổ dịch Covid-19 gia tăng từng ngày trong sự căng thẳng của toàn xã hội. Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”, toàn lực lượng của ngành Y tế tỉnh nhà đã lao vào “tuyến lửa”, bất chấp khó khăn, nguy hiểm để ứng phó với “bão” Covid-19…
Từ ngày 1-1-2022 đến nay, tỷ lệ mắc, bệnh nặng và tử vong do Covid-19 giảm dần đến mức thấp nhất, kể cả nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền, bệnh mãn tính, bệnh ung thư, suy thận… Để có được kết quả trên là cả một quá trình tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như tăng tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ đạt miễn dịch cộng đồng, sử dụng thuốc kháng vi rút, cập nhật liên tục các tiến bộ về điều trị, phân tầng điều trị, kiểm soát bệnh lý nền; đồng thời, còn có sự nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu nói chung và ngành Y tế nói riêng.
“BÃO” COVID-19
BS CKII Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang là người theo sát suốt quá trình dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh nhà, nhớ lại: Từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12-2019, đầu năm 2020 Tiền Giang đã triển khai các hoạt động kiểm soát người về từ vùng có dịch.
Cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thể hiện quyết tâm trong “cuộc chiến” với Covid-19. Ảnh: PHÚC THỊNH |
Đến ngày 4-3-2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 17 đợt công dân từ các quốc gia về Việt Nam thực hiện cách ly y tế tập trung tại Tiểu đoàn Ấp Bắc, Trung đoàn Bộ binh 924, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (doanh trại đơn vị tại địa bàn ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành), với tổng số công dân được cách ly là 3.965 người, trong đó có 11 trường hợp dương tính đã được cách ly điều trị khỏi.
Ngày 3-6-2021, phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Tiền Giang là một sinh viên đang học tại TP. Hồ Chí Minh về nhà ở xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 5-6-2021, Bộ Y tế gắn mã số bệnh nhân này là ca bệnh BN8430. Tiền Giang chính thức ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng.
Khi ca nhiễm tại xã Nhị Quý được khoanh vùng, khống chế, thì đến ngày 15-6-2021 xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới với chùm ca bệnh tại Văn phòng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, sau đó là TX. Cai Lậy và nhiều ổ dịch tại TP. Mỹ Tho đồng loạt bùng phát, liên quan đến chủng Delta tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, trên địa bàn tỉnh số ca nhiễm SARS-CoV-2, số ổ dịch, địa bàn có ca F0 liên tục tăng.
Sau ngày 15-6-2021, dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng, xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp. Số ca mắc và tử vong do Covid-19 ngày càng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát mặc dù tỉnh đã tập trung toàn bộ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Chỉ sau 1 tháng kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện trong cộng đồng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 224 ca dương tính với SARS-CoV-2. Và sau 3 tháng, Tiền Giang ghi nhận 10.684 ca mắc Covid-19, riêng TP. Mỹ Tho là 5.105 ca…
Trước tình huống “nước sôi lửa bỏng”, cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà vào cuộc để phòng, chống “bão” Covid-19 chưa từng có tiền lệ; và ngành Y tế tỉnh nhà cũng đã bật chế độ “báo động đỏ” trong toàn ngành…
“RA TRẬN”
Trước tình huống số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng từng ngày, ngành Y tế đã dốc toàn lực lượng vào “tuyến lửa” để phòng, chống “bão” Covid-19. Lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến trong thời gian cao điểm của dịch lên đến cả ngàn người. Tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh hầu như đều dành lực lượng ưu tú cho công tác phòng, chống dịch, tăng cường cho các bệnh viện dã chiến.
Ngành Y tế Tiền Giang đã dốc toàn lực lượng vào “tuyến lửa” để phòng, chống “bão” Covid-19. Ảnh: PHÚC THỊNH |
GS-TS-BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, toàn bệnh viện có 307 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế “ra trận” tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 ở các bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19. Nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, một số bác sĩ, điều dưỡng trẻ đã gặp trực tiếp lãnh đạo bệnh viện xin tình nguyện đến nhận nhiệm vụ ở các bệnh viện dã chiến để góp sức trẻ của mình cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh nhà.
Cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Mộng Thường, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức Covid-19 chia sẻ: Khoảng thời gian Mộng Thường phải cách ly 2 tuần do là F1 là khoảng thời gian nhiều trăn trở đối với em. Mộng Thường nghĩ, dịch bệnh đang hoành hành, bao người “ra trận” phòng, chống dịch, còn mình cũng là nhân viên y tế sao có thể đứng nhìn đồng đội đang ngày đêm vất vả nơi tuyến đầu. Thế là, sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế, Mộng Thường xin lãnh đạo khoa cho ra tuyến đầu để chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
BS Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 cho biết: Khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, cùng với ngành Y tế tỉnh nhà, Ban Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã dự đoán trước tình hình dịch bệnh trong tỉnh có khả năng sẽ bùng phát phức tạp, đã họp quán triệt đến toàn thể cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện phải trong tâm thế sẵn sàng “ra trận”.
Khi có quyết định của lãnh đạo tỉnh, của Sở Y tế về việc trưng dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để thành lập Bệnh viện Dã chiến số 2 vào ngày 16-6-2021, toàn thể nhân viên bệnh viện đã thông suốt tư tưởng, sẵn sàng lao vào cuộc chiến.
“Giai đoạn đầu tiên khi Bệnh viện Dã chiến số 2 vừa mới thành lập, chúng tôi đã ưu tiên chọn những nhân viên trẻ, khỏe, ít bệnh nền và có chuyên môn vững vào công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Thời gian sau đó (khoảng tháng 8 đến tháng 10-2021), do lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao, chúng tôi đã huy động gần như toàn bộ nhân viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi phối hợp với lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng tăng cường từ các cơ sở bạn phục vụ công tác điều trị người bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 2” - BS. Nguyễn Tấn Lộc cho biết thêm.
Cùng với các bệnh viện khác trong tỉnh, Bệnh viện Mắt Tiền Giang cũng đã cử lực lượng vào “tuyến lửa”. BS CKI Phạm Văn Sở, Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang cho biết: Bệnh viện đã lần lượt cử 25 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia ở các bệnh viện dã chiến và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù quân số của bệnh viện chỉ có 50 người.
Ngoài lực lượng của ngành Y tế tỉnh nhà, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 120 đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã “vào trận chiến”, chung sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chính ủy Bệnh viện Quân y 120 Võ Minh Thảo cho biết, với tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân, quyết tâm “ra trận”, cùng chung tay, góp sức với các lực lượng khác nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện đã viết đơn tình nguyện đi tăng cường phục vụ tại các bệnh viện dã chiến trong và ngoài tỉnh.
Khí thế “ra trận” để vào “tuyến lửa” của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” do “bão” Covid-19 như một nét son mãi mãi không phai mờ trong trang sử truyền thống của ngành Y tế tỉnh nhà và trong tâm khảm của nhân dân…
THIÊN QUANG
(Còn tiếp)