.
Những đóa hoa nơi "tuyến lửa"

BÀI 3: Bệnh viện dã chiến là nhà

Cập nhật: 09:42, 25/02/2022 (GMT+7)

BÀI 1: Ứng phó với "bão" Covid-19

BÀI 2: Xuyên đêm chống "bão" Covid-19

Trên tinh thần bệnh viện dã chiến là nhà, bệnh nhân là người thân, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực trong việc chăm sóc, điều trị, giành giật từng chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân. Chính vì vậy, mỗi sự “hồi sinh” trở về đoàn tụ với gia đình của bệnh nhân Covid-19 đều có nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh M., sinh năm 1960, ngụ 14/6C, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang xúc động nghẹn lời khi nói về “cuộc chiến sinh tử” của gia đình mình. Qua đó, chị gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 2 và Bệnh viện Dã chiến số 4.

Cả 4 người trong gia đình chị đều nhiễm Covid-19, riêng chị nặng nhất do có nhiều bệnh nền và béo phì. Nếu không có sự tận tình cứu chữa, chăm sóc, động viên tinh thần của đội ngũ y, bác sĩ thì có lẽ gia đình chị không có ngày sum họp đầy đủ cả 4 thành viên như hôm nay. Ân tình ấy, gia đình chị mãi mãi khắc ghi!

BỆNH VIỆN LÀ NHÀ, BỆNH NHÂN LÀ NGƯỜI THÂN

Từ khi nhận nhiệm vụ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 2, sau đó về Trung tâm Hồi sức Covid-19 (tháng 7-2021), BS CKI Trần Mai Nhiên, Phó Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Hồi sức Covid-19 xem Trung tâm Hồi sức là ngôi nhà thứ hai của mình.

Nhiên có 3 con nhỏ, cháu lớn mới học lớp 4, cháu kế học lớp 1, đứa con út mới vào lớp mầm. Vậy mà, từ ngày nhận nhiệm vụ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 2, sau đó là Trung tâm Hồi sức Covid-19, Nhiên đi công tác một mạch đến hai tháng rưỡi mới về nhà thăm con. Nhớ con, muốn ôm con vào lòng, nhưng Nhiên không dám. Các con nhớ mẹ, thấy mẹ về thăm thì vui mừng, nhưng không thể cho tiếp xúc gần vì “sợ con vi rút SARS-CoV-2”.

Nhân viên y tế ngoài điều trị, còn thay người nhà chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo.                          Ảnh: PHÚC THỊNH
Nhân viên y tế ngoài điều trị, còn thay người nhà chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo. Ảnh: PHÚC THỊNH

Còn TS-BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1, khi mới nhận nhiệm vụ tăng cường cho bệnh viện dã chiến, Thành cũng rất nhớ đứa con đầu lòng mới 3 tháng tuổi, nhưng không thể về thăm con thường xuyên, vì các bệnh nhân rất cần mình, phải 2 đến 3 tuần mới tranh thủ về một lần. Mà về cũng không dám gần gũi con, chỉ đứng “giãn cách” nhìn con cho đỡ nhớ, rồi lại quay về với “đồng đội”.

Cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Mộng Thường, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức Covid-19 chia sẻ: Từ khi tình nguyện nhận nhiệm vụ ở Trung tâm Hồi sức Covid-19 (ngày 10-8-2021), Thường cũng chọn nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, các bệnh nhân là người thân. Chỉ có kiên định tư tưởng như thế thì Thường và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế mới có thể vượt qua hết khó khăn, vất vả trong những ngày cao điểm của dịch Covid-19. Bởi trong giai đoạn cao điểm của dịch, bệnh nhân nặng chuyển đến Trung tâm Hồi sức rất đông, lại không có người thân bên cạnh chăm sóc (theo quy định để tránh bị lây nhiễm bệnh), nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế còn phải thay người nhà chăm sóc tận tình, chu đáo và làm chỗ dựa tinh thần cho họ.

Vì xem bệnh viện dã chiến là nhà, bệnh nhân là người thân, nên trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát trên địa bàn tỉnh, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, chứng kiến những ca nhiễm SARS-VoV-2 nặng, diễn tiến nhanh không hồi phục…, Nhiên đã không cầm được nước mắt. Còn Thường thì ám ảnh mãi hình ảnh người mẹ trẻ nhiễm Covid-19 diễn tiến bệnh nặng, phải mổ bắt con, rồi ra đi vĩnh viễn khi chưa kịp nhìn mặt con.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, khi làm việc tại các bệnh viện dã chiến, dù rất cực khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do trong thời điểm đầu lực lượng y, bác sĩ và người lao động chưa được tiêm phòng Covid-19, nhưng hầu hết đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, có một số y, bác sĩ xin tiếp tục tình nguyện làm việc tại bệnh viện dã chiến khác sau khi bệnh viện dã chiến nơi mình đang làm việc có quyết định giải thể.

HY SINH THẦM LẶNG

Từ khi TP. Mỹ Tho dỡ bỏ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, Nhiên tiếp tục phục vụ ở Trung tâm Hồi sức Covid-19, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, Nhiên cũng không về nhà. Việc mua sắm tết trong nhà và chăm sóc 3 đứa con nhỏ, Nhiên phó mặc cho chồng và bà ngoại của các cháu. Ngày cuối năm, chồng Nhiên dẫn các con vào Trung tâm Hồi sức Covid-19 cho các cháu thăm mẹ. Nhiên về nhà thường xuyên cũng được, nhất là trong giai đoạn hiện nay tình hình ca nhiễm SARS-CoV-2 diễn tiến nặng không còn nhiều như giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, nhưng Nhiên không thể rời “vị trí chiến đấu”, bỏ mặc “đồng đội” trên “mặt trận” không tiếng súng.

Bệnh nhân vẫy tay chào các thầy thuốc đã giúp mình chiến thắng Covid-19, trở về sum họp với gia đình.                                                                                            Ảnh: PHÚC THỊNH
Bệnh nhân vẫy tay chào các thầy thuốc đã giúp mình chiến thắng Covid-19, trở về sum họp với gia đình. Ảnh: PHÚC THỊNH

Mộng Thường cũng có 2 con nhỏ, cháu lớn học lớp 4, cháu nhỏ học lớp 2. Đến khuya rảnh tay là lúc Thường nhớ nhà, nhớ con đến da diết. Dù nhà gần Trung tâm Hồi sức Covid-19, nhưng cả tuần Thường mới tranh thủ về thăm con 1 lần. Mà về thì cũng đứng ngoài cổng, treo bịch bánh lên hàng rào, hỏi thăm con đôi ba câu là vội trở về “vị trí chiến đấu”. Làm sao rời “mặt trận” khốc liệt do “bão” Covid-19 gây ra được, bởi ở đó còn bao “người nhà” đang chờ nhân viên y tế chăm sóc.

BS Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 cho biết: Tinh thần phục vụ của các y, bác sĩ và nhân viên y tế rất tốt, mọi người đã làm việc với hơn 100% sức lực của mình. Tại Bệnh viện Dã chiến số 2, cơ sở đầu tiên của tỉnh nhà giai đoạn trước ngày 31-8-2021 chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng cuối của tỉnh, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp phục vụ người bệnh giai đoạn đó suốt mấy tháng liền ăn, ngủ tại bệnh viện, hy sinh cả hạnh phúc cá nhân, đành gác lại chuyện gia đình, con thơ để chuyên tâm với nỗi đau của bệnh nhân. Có những nhân viên y tế khi hết ca, từ phòng bệnh ra ngoài đã lã đi trong vòng tay đồng nghiệp. Đội ngũ thầy thuốc quên cả bữa ăn khi công tác thăm khám và chăm sóc người bệnh chưa hoàn thành, hoặc phải bỏ dỡ bữa khi có bệnh nhân diễn tiến xấu.

BS Nguyễn Tấn Lộc cho biết thêm: Tính đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã có 16 cán bộ, nhân viên y tế bị nhiễm SARS-CoV-2, được các y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện trực tiếp điều trị, chăm sóc và đã phục hồi, tiếp tục trở lại tham gia điều trị cho bệnh nhân; hiện chỉ còn 1 điều dưỡng bị nhiễm Covid-19 đang được điều trị, phục hồi tốt, sắp ra viện.

Còn ở Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, từ khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện có 150 người bị nhiễm Covid-19. Toàn ngành Y tế tỉnh nhà, tính đến ngày 12-2-2022, số cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên bị nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ là 772 người, chưa tính những người tiếp xúc gần (F1) bị ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.

Qua đó cho thấy, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu nói chung, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng không thể nào đong đếm được. Và trong gian khó của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phẩm chất “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc càng thêm tỏa sáng.

Tiền Giang trở thành “vùng xanh”, nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay là niềm vui chung hết sức to lớn, là công sức chung của toàn xã hội, trong đó có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Đây là sự hy sinh chung, là trách nhiệm và vinh quang chung của ngành Y tế, hòa chung với sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng khác và của nhân dân tỉnh nhà.

“Người dân, xã hội đặt trách nhiệm vinh quang lên vai chúng tôi, cấp trên tin tưởng chúng tôi, đó là vinh dự. Người dân, những tấm lòng vàng hỗ trợ vật chất cho bệnh nhân, cho lực lượng tuyến đầu nói chung, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của “cơn bão” Covid-19, càng thôi thúc chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm việc nhiều hơn nữa để đem lại sức khỏe cho bệnh nhân, giảm đi mất mát cho xã hội” - BS Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ.

THIÊN QUANG

  (Còn tiếp)

.
.
.