Tiền Giang: Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
(ABO) Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 24-2-2022 cho biết, số ca Covid-19 tăng vọt lên 69.128 F0 tại 62 tỉnh, thành; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca. Trong đó có 24 tỉnh, thành có số ca mắc trên 1.000 ca, cao nhất là TP. Hà Nội 8.864 ca, TP. Hồ Chí Minh số ca F0 tăng trở lại với 2.466 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 51.968 ca/ngày.
Trong ngày 24-2 có 111 trường hợp tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 87 ca.
Riêng ở tỉnh Tiền Giang, trong ngày 24-2 ghi nhận 214 ca F0 (PCR 7, test nhanh 207), tăng 99 ca so với ngày hôm trước, trong đó có 48 ca trong độ tuổi từ 12 trở xuống. Thông tin ca nhiễm bệnh trong 6 ngày trước đó (từ 18 đến 23-2) lần lượt là: 54 (PCR 2; test nhanh 52), 51 (PCR 3; test nhanh 48), 43 (PCR 6; test nhanh 37), 48 (PCR 6; test nhanh 42), 118 (PCR 5; test nhanh 113), 115 (PCR 7; test nhanh 108).
Trong 7 ngày qua (từ 18 đến 14-2) không có ca tử vong.
Qua các số liệu trên cho thấy, thời gian qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước có xu hướng gia tăng; nhất là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực; việc tổ chức cho học sinh, sinh viên học trực tiếp, các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết, việc sinh hoạt tập trung đông người... sẽ xảy ra nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 trong thời gian tới.
Xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ. Ảnh Hạnh Nga. |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và ngành Y tế tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm Thông báo 47 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học của các địa phương; Công điện 235 của Bộ Y tế về tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị…) liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch, nhất là việc tổ chức cho học sinh học trực tiếp đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả.
Nâng cao tinh thần tránh nhiệm cho từng cấp trong tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh. Cấp huyện và cấp xã phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn, chủ động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để giữ vững kết quả đạt được. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị đặc biệt là tại các trường học, không được chủ quan, lơ là. Tất cả nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh để thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế” tiến tới chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Tăng cường công tác truyền thông để người dân nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các biện pháp 5K kể cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin; hiểu được tác dụng của các loại vắc xin trong phòng ngừa Covid-19, từ đó chủ động thực hiện việc tiêm chủng vắc xin; chủ động khai báo cho các cơ sở y tế khi có kết quả tự test nhanh dương hoặc phát hiện người nghi nhiễm Covid-19; nâng cao ý thức trong việc ứng phó với chủng vi rút mới Omicron.
Quản lý chặt chẽ các đối tượng F0, F1 được điều trị, cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe tại nhà. Các địa phương giao trách nhiệm cho Tổ Covid cộng đồng, chính quyền ấp, khu phố, chính quyền cấp xã trong việc quản lý các đối tượng trên, tuyên truyền cho người dân, hỗ trợ giám sát phát hiện các đối tượng không thực hiện cách ly đúng quy định. Đồng thời đảm bảo tất cả các trường hợp có triệu chứng phải được quan tâm theo dõi sức khỏe điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát đối với đối tượng nguy cơ như: Lực lượng tuyến đầu chống dịch, người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hàng quán ăn…
Tăng cường tiêm chủng vắc xin, đảm bảo 100% người dân tiêm đủ mũi 2, đồng thời đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.
M.T