Tiền Giang trở thành "vùng xanh" là món quà ý nghĩa mừng ngày 27-2
Cách đây 67 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ gửi thư cho các cán bộ y tế nhân Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc lần thứ nhất; trong đó, Bác đã đóng góp những ý kiến thiết thực, vô cùng bổ ích, mà cho đến nay những lời dạy của Bác là những tư tưởng chỉ đạo về chiến lược và đường lối xây dựng, phát triển ngành Y tế Việt Nam. Ngày 6-2-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 39, lấy ngày 27-2 hằng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”, trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế và là ngày hội của các thế hệ cán bộ y tế.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong chiến tranh, đội ngũ cán bộ y tế Tiền Giang là những thầy thuốc mặc áo lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh xương máu, tận tụy phục vụ hết mình đồng chí, đồng đội, thương binh, viết nên những trang sử vàng chói lọi và tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Tiền Giang. |
Sau khi đất nước được giải phóng, thống nhất đến nay, hàng ngàn thầy thuốc tỉnh nhà đã ngày đêm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy rằng đâu đó vẫn còn có những than phiền về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một số thầy thuốc, hay một vài cơ sở y tế về những tai biến chuyên môn không lường trước được, nhưng những điều này không thể phủ nhận những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc đã khống chế và kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh, như thương hàn, dịch tả, dịch hạch, lao, sốt rét, ho gà, Hội chứng hô hấp cấp (SARS), sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết Ebola, cúm A H5N1, cúm A H1N1, cúm A H7N9, cúm A H10N8... Một số bệnh đã được loại trừ hoặc thanh toán, như các bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt, phong…
Công tác khám, chữa bệnh (KCB) từng bước được nâng cao, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thực hiện ở các tuyến. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, hoặc tình nguyện khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng sâu, vùng xa… Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sĩ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, với máu, mủ và với đủ thứ vi trùng, virus…
Vậy mà, khi vào ca trực là các y, bác sĩ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho người bệnh.
Năm 2021, cùng với cả nước, cả hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang đã phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19, trong đó đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế là lực lượng nòng cốt và chủ lực, để từng bước vượt qua. Đây là loại dịch bệnh chưa có tiền lệ với tốc độ lây lan khủng khiếp và tỷ lệ tử vong rất cao, khiến cả thế giới đều lúng túng và phản ứng mỗi nước mỗi kiểu khác nhau, vừa phòng chống, vừa rút kinh nghiệm để xây dựng quan điểm chỉ đạo và biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Tại Tiền Giang, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, tỉnh đã tổ chức cách ly 17 đợt công dân nhập cảnh từ các quốc gia, với hơn 3.000 người, chỉ có 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không nặng, không có tử vong do nhiễm bệnh. Đến khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng (ngày 5-6-2021), ngành Y tế của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng ngành Y tế kịp thời ứng phó và chủ động dập dịch.
Tuy nhiên, do Tiền Giang rất gần TP. Hồ Chí Minh (tâm điểm đợt dịch lần thứ 4), nên tại thời điểm đó khả năng kiểm soát dịch trong cộng đồng là rất khó khăn. Có những lúc cao điểm khối lượng công việc rất lớn, tính chất lại khẩn trương, áp lực nặng nề nên cán bộ y tế phải làm việc hết sức vất vả. Toàn ngành Y tế đã tập trung thực hiện hơn 100% sức lực có được (có đồng nghiệp còn nói rằng, họ đã làm việc gấp 2 - 3 lần so với bình thường), không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ, ngày nghỉ, lễ… để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện thiếu thốn nguồn lực.
Đặc biệt là thiếu nhân lực chuyên môn cần thiết do số bệnh nhân tăng cao, vượt khả năng phục vụ hiện có của cán bộ y tế; do một số anh em nhiễm bệnh, đến mức phải cầu cứu Bộ Y tế phân công người hỗ trợ cho tỉnh; thiếu thiết bị y tế cần thiết (máy thở, máy theo dõi liên tục); thiếu trang phục phòng hộ, phương tiện xét nghiệm, phương tiện vận chuyển… mà việc mua sắm vô cùng khó khăn, vì thực hiện giãn cách, vì các tỉnh đều có nhu cầu đồng loạt, gây khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng cao, mà có tiền cũng khó mà mua ngay được.
Dù vô cùng vất vả, thậm chí một số ít cán bộ xin không thực hiện nhiệm vụ hoặc xin nghỉ việc, nhưng nhìn chung, hầu hết cán bộ y tế tỉnh nhà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh xem như được kiểm soát, nhưng khi nhớ lại giai đoạn cao điểm, mọi người vẫn còn cảm thấy áp lực khủng khiếp.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Tiểu đoàn Ấp Bắc. |
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có 772 cán bộ y, bác sĩ và người lao động trong ngành Y tế bị nhiễm Covid-19 (F0) khi làm nhiệm vụ, chưa tính những người tiếp xúc gần (F1) bị ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc (số liệu đến ngày 12-2-2022).
Trong giai đoạn hiện nay, phương thức điều trị chuyển sang điều trị tại cộng đồng (tại nhà, tại cơ sở điều trị tuyến xã…) giúp bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng không phải nhập viện điều trị, giúp người bệnh được thoải mái hơn; đồng thời, giảm áp lực cho các y, bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế.
Tuy nhiên, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng lại làm tăng thêm áp lực cho nhân viên y tế tuyến xã hiện nay rất thiếu, mà phải làm rất nhiều việc, như vừa theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà (có lúc cao điểm, với 6 - 8 người mỗi trạm y tế mà phải chăm sóc hàng trăm F0 tại nhà), vừa thực hiện tiêm chủng vắc xin thần tốc phòng Covid-19, vừa tiếp tục truy vết, thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu và phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (quản lý các chương trình mục tiêu y tế, phòng, chống các loại dịch bệnh bệnh khác, KCB bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thông thường khác…).
Vì vậy, cán bộ y tế các cấp vẫn phải tiếp tục phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay, với việc vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên khác.
Khi phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị đều tham gia và đều có đóng góp nhất định vào thành quả chung của cả tỉnh; tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi cấp có vị trí, vai trò khác nhau. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế là lực lượng nòng cốt và chủ lực trong sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân nói chung, trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng. Vì vậy, khi Tiền Giang trở thành “vùng xanh”, nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay, là món quà đầy ý nghĩa chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay.
BS CKII TRẦN THANH THẢO