Thứ Bảy, 19/02/2022, 09:25 (GMT+7)
.

Tin vui cho người F0: Thuốc kháng vi rút Covid-19 sẽ có vào tuần tới

(ABO) Vừa qua, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty dược phẩm Việt Nam được sản xuất cung ứng thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir dạng viên nang cứng tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng vừa cấp giấy phép lưu hành ngày 17-2.

Đây là thuốc tấn công trực tiếp vào vi rút Covid-19, làm gián đoạn quá trình sao chép RNA của vi rút khiến cho vi rút không thể sinh sôi nảy nở được. Thuốc molnupiravir được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ, thể không triệu chứng, bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Thuốc phải được sử dụng sớm trong 5 ngày đầu tiên phát hiện dương tính. Nhờ điều trị sớm, vi rút không có cơ hội phát tán làm tổn thương cơ thể, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Cả ba doanh nghiệp đều có kế hoạch đưa thuốc molnupiravir ra thị trường vào tuần tới và phân phối theo hệ thống các nhà thuốc trên cả nước. Hiện Công ty Mekorpha đã có sẵn một số nguyên liệu cung cấp từ Ấn Độ, sẽ sản xuất ngay để có thuốc. Công ty Stellapharm đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất về cảng và xem lại nhu cầu đặt hàng từ các địa phương để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Công suất nhà máy Stellapharm có thể đạt vài triệu liều một lúc nên đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, theo đại diện công ty. Mức giá khoảng 300.000 đồng một hộp, được tính dựa trên chủ yếu là giá nhiên liệu và chi phí nhân công, đến tay người dùng. Giá này thấp hơn mức khuyến cáo của WHO cho các nước kém phát triển là 19,9 USD (tương đương 440.000 đồng).

Đây là một tin rất vui, vì thuốc điều trị SARS-CoV-2 Molnupiravir là thuốc kháng vi rút đặc hiệu, dùng theo đường uống, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp tốt. Đặc biệt, thuốc làm giảm tải lượng vi rút rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị. Lộ trình đầy đủ là uống liên tục 5 ngày, không được ngưng thuốc giữa chừng, kể cả khi xét nghiệm âm tính sau vài ngày dùng thuốc.

Molnupiravir có khá nhiều tác dụng phụ, chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ. Trong phiên họp hôm 8-1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế cũng khuyến cáo không dùng thuốc molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Không dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Nam giới dùng thuốc được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng, vì tác động lên tinh trùng vẫn chưa được hiểu rõ. Người bị suy gan nặng, suy thận nặng mắc Covid-19 cũng không sử dụng thuốc này.

Bên cạnh đó, các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, tăng men gan, vì vậy bà con cần báo cho bác sĩ biết nếu thấy dấu hiệu khó chịu khi dùng thuốc.    

Nhờ nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế và sự đoàn kết toàn dân, đến nay nước ta đã thực hiện tốt ba giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Thứ nhất là toàn dân tự giác thực hiện thông điệp 5K của ngành Y tế. Thứ hai là tỷ lệ người dân tham gia chích ngừa đạt tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là trên 90%. Thứ ba là chủ động sản xuất thuốc kháng vi rút, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ba giải pháp này giúp nước ta tự tin mở cửa xã hội, phục hồi kinh tế trong thời gian sớm nhất.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.