.

Trẻ khỏi Covid-19, có nên tiêm ngừa không?

Cập nhật: 19:49, 10/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Chị Lê Ngọc T., nhà ở TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang, điện thoại cho bác sĩ hỏi, vừa qua cả nhà chị mắc Covid-19, nay đã hết thời gian cách ly được nửa tháng, trong đó con chị đang học lớp 1 thì có nên đăng ký tiêm ngừa cho bé theo kế hoạch của Bộ Y tế về tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi không? Bác sĩ khuyên chị L., dù bé đã mắc bệnh hay chưa mắc bệnh Covid-19 vẫn phải tiêm ngừa. Nếu vừa khỏi bệnh, không có biến chứng thì nên đợi ít nhất 1 tháng sau bé mới được tiêm ngừa.

Có hai nguyên nhân cần tiêm ngừa cho trẻ đã khỏi Covid-19. Thứ nhất, phần lớn những trẻ bị nhiễm bệnh chỉ gặp các triệu chứng nhẹ ở mũi họng, hoặc không có triệu chứng nào, là do vai trò đề kháng virus ở đường hô hấp trên. Khả năng đề kháng ở vùng mũi họng người ta gọi là khả năng miễn dịch niêm mạc (mucosal immune).

Sau mắc bệnh, trẻ em thường có khả năng miễn dịch niêm mạc rất cao, có thể chống lại virus khi nó mới vừa xâm nhập vào cơ thể trẻ. Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 không những giúp trẻ sản xuất nhiều kháng thể toàn thân, mà còn tăng cường khả năng miễn dịch đồng bộ cho cơ thể. Sự kết hợp của miễn dịch niêm mạc và miễn dịch do tiêm chủng mang lại sự bảo vệ lâu hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn cho các trẻ.

Thứ hai, tiêm ngừa giúp trẻ bổ sung khả năng chống lại nguy cơ tái nhiễm. Đó là do kháng thể tự nhiên khi khỏi bệnh sẽ giảm theo thời gian, nên rất cần tiêm ngừa cho trẻ để tránh bị nhiễm bệnh trở lại khi tiếp xúc với nguồn lây nào đó.

Các nhà khoa học cho rằng, tiêm ngừa cho trẻ sau bốn tuần sẽ an toàn. Vì có một số trẻ có nguy cơ bị biến chứng sau mắc Covid-19 hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), chiếm khoảng 1/3.000 trẻ bị mắc Covid-19 và có thể xảy ra từ 2 - 6 tuần sau khi bị nhiễm Covid-19 cấp tính. Chờ đợi ít nhất 4 tuần để biết trẻ đã bình phục, không biến chứng, tiêm ngừa sẽ an toàn hơn.

Nếu trẻ có các triệu chứng dai dẳng sau một tháng, phụ huynh nên đợi thêm một tháng nữa mới cho trẻ đi tiêm ngừa. Sau đó, đợi tám tuần nữa mới tiêm liều thứ hai cho trẻ.

Nếu trẻ đã bị biến chứng nặng như hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) đã khỏi bệnh thì có thể chủng ngừa Covid-19 không? Có thể trì hoãn tiêm ngừa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nên cân nhắc trì hoãn việc tiêm chủng Covid-19 cho trẻ đến khi khỏi bệnh này, thường là 90 ngày sau ngày chẩn đoán MIS-C. Việc trì hoãn tiêm ngừa kéo dài tối đa là 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Theo Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI), Vương quốc Anh, cho biết khoảng thời gian tối thiểu giữa bất kỳ liều vắc xin nào và trường hợp nhiễm Covid-19 gần đây phải là ít nhất 4 tuần đối với trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu... Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Cao Việt Tùng, những người (bao gồm trẻ nhỏ trong lứa tuổi cho phép tiêm vắc xin) nếu đã nhiễm Covid-19 vẫn nên tiêm vắc xin Covid-19 sau 6 - 8 tháng.

Tóm lại, vì sức khỏe và tương lai của con mình, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm ngừa theo kế hoạch của Bộ Y tế. Hiện nay, theo các nhà khoa học trên thế giới nếu trẻ mắc Covid -19 đã khỏi bệnh thì sau 4 tuần mới tiêm ngừa. Nếu trẻ bị biến chứng nặng và đã khỏi bệnh thì 3 tháng sau mới tiêm ngừa, tùy theo điều kiện đáp ứng được nguồn cung cấp vắc xin của địa phương.   

BS NGUYỄN THÀNH ÚC



 

.
.
.