Thứ Hai, 14/03/2022, 10:05 (GMT+7)
.

Bỏ hút thuốc lá để thực hiện trách nhiệm với xã hội

Hút thuốc lá (HTL) là một thói quen lâu đời của nhiều người, rất khó bỏ được mặc dù ai cũng biết HTL là có hại cho sức khỏe bản thân và người khác. Cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người HTL ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. HTL sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30% - 80%.

Khói thuốc lá với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư) không chỉ gây độc cho cơ thể người hút mà còn cho người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ.

Những chất độc này đã gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ.

Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày - tá tràng, bất lực, sinh non, sảy thai, thuyên tắc mạch các chi… Có thể nói rằng, từ đầu đến chân, không có nơi nào mà không bị ảnh hưởng từ các chất độc hại của khói thuốc lá.

Nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá nơi không cho phép.
Nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá nơi không cho phép.

Hiện nay, số người HTL điện tử đang có xu hướng gia tăng, nhất là giới trẻ vì họ cho rằng HTL điếu, thuốc lào mới có hại chứ thuốc lá điện tử không gây hại. Do đó, nhiều người đã bỏ thuốc lá mà chuyển sang HTL điện tử. Nicotin trong khói thuốc lá điện tử nguy hiểm chẳng kém gì thuốc lá thông thường. Nó vẫn gây viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, dễ gây ra biến chứng ung thư phổi.

Nicotin  bám lên thành mạch máu, mạch máu não, gây xơ vữa và giảm co giãn các mạch máu, nguy cơ gây ra đột quỵ bởi nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não. Ngoài ra, các loại tinh dầu thuốc lá điện tử còn có hương thơm, với cấu tạo hóa học là các vòng benzene, là hóa chất độc hại thường  được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài, có khả năng gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm…

Không chỉ tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá còn gây cho xã hội tổn thất về kinh tế rất lớn. Cũng như xu hướng chung của thế giới, số người hút thuốc tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở nhóm thu nhập thấp.

Tại Việt Nam, mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi hơn 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, một năm chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người.

Theo thống kê, chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là gần 9.000 tỷ đồng, trong đó chi phí điều trị nội trú cho một đợt nằm viện, Chính phủ chi 40%, bảo hiểm chi 19% và người bệnh chi 41%...

Tiền Giang đã rất tích cực trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỉnh đã tiếp nhận và triển khai Dự án Truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá do Tổ chức Rockerfeller tài trợ thí điểm tại TP. Mỹ Tho từ năm 2005 đến 2007. Điều tra năm 2005, tỷ lệ nam HTL là 38,8% và nữ là 0,5%; tỷ lệ HTL thụ động là 74%.

Qua đánh giá kết thúc dự án, chúng ta đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ người dân có hiểu biết đúng về thuốc lá có tăng lên, nhất là biết thế nào là HTL thụ động và đã có người dám bày tỏ thái độ phản đối người HTL trong nhà; đã giảm tỷ lệ người HTL, một số người đã tự nguyện bỏ hẳn thói quen HTL.

Bên cạnh đó, Tiền Giang là một trong ba tỉnh điểm của Bộ Y tế triển khai Dự án Xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc giai đoạn 2010 - 2012.  Dự án thực hiện bao phủ bao gồm UBND tỉnh và tất cả các sở, ngành với 35 đơn vị và hơn 8.000 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng Chỉ thị về phòng, chống tác hại của thuốc lá của UBND tỉnh vào năm 2007. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức mít tinh, diễu hành để tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng vẫn còn rất nhiều những khó khăn và thách thức mà mọi người cần phải cùng chung tay thực hiện mới mong có được môi trường trong lành không có khói thuốc trong thời gian rất dài nữa.

Để thực hiện trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, mong rằng, những người đang HTL hãy suy nghĩ và cố gắng bỏ hút thuốc, còn những người hút thuốc thụ động thì mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc nhằm tạo áp lực cho họ có trách nhiệm hơn. Qua đó, mỗi người góp một phần vào việc xây dựng thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại, vì sức khỏe của nòi giống dân tộc và tương lai của con cháu mai sau.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.