Thứ Bảy, 26/03/2022, 09:06 (GMT+7)
.

Làm gì khi bị nôn ói, chóng mặt do dùng thuốc kháng vi rút Molnupiravir?

(ABO) Chị Đỗ Thanh H., 58 tuổi, ở phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sau khi dự tiệc cưới về được 5 ngày thì bị sốt, sổ mũi, đau nhức cơ thể nên mua kít test Covid-19 về test nhanh và kết quả có hai vạch.

Bác sĩ cho chị H. toa thuốc kháng vi rút Molnupiravir và căn dặn uống sớm ngay ngày đầu tiên. Uống thuốc được ba lần thì chị H. bị nôn ói nhiều, kèm chóng mặt, đi loạng choạng nên lo lắng gọi điện thoại hỏi bác sĩ có nên ngưng uống thuốc này không?

Bác sĩ khuyên chị H. cần làm ba việc, đó là đo huyết áp, đo SpO2, theo dõi triệu chứng. Nếu huyết áp ổn định, chỉ số oxy trong máu SpO2 trên 94%, không khó thở, thì an tâm tiếp tục uống thuốc kháng vi rút. Còn nếu huyết áp thấp, SpO2 máu giảm dưới 94%, có khó thở, thì ngưng uống thuốc và đến ngay bệnh viện, vì các dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có khả năng bị dị ứng nặng với thuốc.

Về chuyên môn, ngoài tác dụng hữu ích của thuốc, hầu hết các loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn mặc dù không phải ai cũng trải qua các tác dụng phụ. Thuốc là chất lạ đối với cơ thể, khi chất lạ vào cơ thể, lập tức hệ miễn dịch phản ứng nhằm chống lại và đào thải chất lạ ra ngoài, quá trình này có thể sản sinh các chất gây hại cho cơ thể. Phản ứng dị ứng thuốc phụ thuộc vào yếu tố di truyền, cơ địa và thể tạng dị ứng của từng người, chứ không phải ai cũng bị dị ứng. Những tác dụng phụ này có thể biến mất trong quá trình điều trị khi cơ thể người bệnh thích nghi với thuốc.

Tác dụng phụ của Molnupiravir thường là nhẹ, không nguy hiểm, như: Tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu, nổi mề đay, ngứa, phát ban da, buồn nôn. Và chúng ta sẽ làm gì khi bị tác dụng phụ của Molnupiravir?

Trước tiên, người bệnh bình tĩnh và báo cho bác sĩ điều trị về các triệu chứng khác thường của mình khi xảy ra tác dụng phụ của thuốc; kiểm tra tình trạng huyết áp, oxy máu, thở có khó khăn không... Nếu tất cả ổn thì tùy triệu chứng tác dụng phụ mà xử lý phù hợp như sau:

Tiêu chảy: Rất cần uống nhiều nước để đề phòng mất nước. Nước sôi để nguội hoặc nước biển khô.

Nôn, buồn nôn: Ăn các loại thực phẩm đơn giản, dễ tiêu như cháo, súp, uống thêm nước gừng.

Nhức đầu: Uống nhiều nước và có thể dùng một loại thuốc giảm đau phù hợp do bác sĩ hướng dẫn.

Chóng mặt: Nằm nghỉ ngơi, thay đổi tư thế phải từ từ, chậm chậm, không được leo cầu thang, không được điều khiển máy móc, hạn chế xem vi tính, màn hình điện tử.

Ngứa, đỏ da: Tắm nước ấm, uống thuốc chống dị ứng do bác sĩ hướng dẫn.

Nếu mọi người gặp bất kỳ triệu chứng nào khác mà nghĩ có thể là do thuốc, thì nên báo với bác sĩ điều trị, không được tự ý ngưng uống thuốc Molnupiravir nửa chừng. Vì thuốc này phải uống liên tục đủ 5 ngày mới hết bệnh. Tác dụng phụ nếu có, thường chỉ xảy ra 2 ngày đầu tiên khi dùng thuốc, sau đó cơ thể sẽ tự quen với thuốc và không bị tác dụng phụ nữa.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.