Tỷ lệ tái mắc Covid-19 gia tăng: F0 không nên chủ quan
Nhiều người sau khi mắc Covid-19 thì chủ quan, cho rằng mình đã có kháng thể, cộng với việc đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị mắc bệnh lại. Theo các chuyên gia y tế, việc tái mắc Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra, khi virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể lần đầu để lại miễn dịch không cao.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm người dân. |
Không có chuyện miễn nhiễm
Từng bị mắc Covid-19 vào giữa tháng 9-2021, anh Nguyễn Văn Nam (36 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) phải mất hơn 2 tuần gồng mình vượt qua. Sau đó, theo khuyến cáo của ngành y tế, anh đi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và tập luyện phục hồi chức năng sau mắc Covid-19. Nhưng chỉ sau 4 tháng, anh Nam bất ngờ khi test nhanh có kết quả dương tính và không rõ nguồn lây từ đâu. “Tôi cứ nghĩ đã tiêm vaccine đủ 3 mũi và đã mắc Covid-19 rồi thì sẽ miễn nhiễm, ai ngờ. Triệu chứng mắc bệnh lần 2 cũng giống như lần đầu, nhưng nhẹ hơn và quá trình điều trị cũng ngắn hơn”, anh Nam kể.
Cũng bị Covid-19 “ghé thăm” 2 lần, chị Trần Thị Dung (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, chị phát hiện mắc Covid-19 lần đầu đúng vào đợt dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp nhất. “Ngày đó mình phải tự điều trị tại nhà, lo sợ và kiêng cữ đủ thứ; may mắn là sau hơn 2 tuần cũng khỏi. Cứ nghĩ đã mắc Covid-19 rồi, có kháng thể bảo vệ cộng với việc tiêm đủ 3 mũi vaccine sẽ có “áo giáp kim cương” chống lại virus, ai ngờ giờ vẫn tái mắc”, chị Dung chia sẻ. Chị cho hay, cũng may chỉ bị triệu chứng nhẹ, điều trị mau hết.
Theo TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, người từng mắc Covid-19 có khả năng tái mắc như bình thường và không có chuyện miễn nhiễm. Một người có thể tái mắc Covid-19 nhiều lần, nên sau khi mắc và khỏi bệnh vẫn phải tuyệt đối tuân thủ 5K.
Tuân thủ các quy định phòng dịch
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, tình trạng tái mắc Covid-19 hiện nay do biến thể Omicron xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng. “Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu, sau một khoảng thời gian sẽ suy yếu và mất đi. Hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm biến thể ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước biến thể mới nên người bệnh tái mắc Covid-19”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin. Theo ông, người đã tiêm đầy đủ liều vaccine vẫn có thể mắc Covid-19. Vaccine Covid-19 có hiệu quả phòng ngừa trong thời gian nhất định, ngăn diễn tiến nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong. Sau thời gian đó, người dân vẫn có thể bị tái mắc Covid-19.
Trước sự gia tăng về số ca tái mắc Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đơn vị đã họp để chuẩn bị cho một nghiên cứu nhanh đánh giá về đối tượng nguy cơ, đối tượng tái mắc để xem khả năng đáp ứng miễn dịch của họ như thế nào, trên cơ sở đó đề xuất liệu có nên tiêm mũi vaccine thứ 4, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao có bệnh nền, có bệnh lý suy giảm miễn dịch và người cao tuổi. “Để quyết định điều này phải dựa trên cơ sở khoa học của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện họ đang khuyến cáo Việt Nam nên có một nghiên cứu riêng để vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của mình, vừa củng cố thêm kho tàng dữ liệu của thế giới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TPHCM, khi mắc Covid-19, cơ thể sẽ tạo miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng lâu dài, bền vững vì sẽ có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể, những biến thể mới gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp chống lại. Thêm nữa, biến thể không thâm nhập vào đường máu mà thâm nhập vào niêm mạc, trong khi niêm mạc thường ít kháng thể. Do vậy, kháng thể của cơ thể nếu có chống lại virus cũng thường không bền vững. “Dù biến thể nào, virus SARS-CoV-2 vẫn không thay đổi đường lây và cơ chế lây nhiễm. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm 5K và tiêm ngừa vaccine theo hướng dẫn của ngành y tế”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.
UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế; Sở TT-TT; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn về việc thực hiện chuyển đổi số trong quản lý F0 cách ly tại nhà trên địa bàn phường, xã, thị trấn. Yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong việc xác nhận F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà. |
(Theo www.sggp.org.vn)