.

36 tỉnh, thành đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Cập nhật: 20:39, 23/04/2022 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/4, cả nước đã có 36/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với số liều tiêm là 232.567 liều (tất cả đều là mũi 1).

Có 36/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: VGP/HM
Có 36/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: VGP/HM

Cụ thể bao gồm các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Bạc Liêu.

Bộ Y tế cũng cho biết, chưa địa phương nào báo cáo có ghi nhận ca phản ứng nặng hoặc tai biến sau tiêm vaccine ở lứa tuổi này.

Trong đó, các địa phương đã thực hiện tiêm số liều vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng này đạt tỷ lệ cao như TPHCM (58.683 mũi tiêm), Hà Nội (51.015 mũi tiêm), Đồng Nai (12.396 mũi tiêm), Bình Dương (9.498 mũi tiêm); Lào Cai (7.117 mũi tiêm)...

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5  đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Ngành y tế sẽ cố gắng tiến hành đến cuối quý II/2022 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện.

Tính đến ngày 22/4, số liều tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 232.567 liều (tất cả đều là mũi 1). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tính đến ngày 22/4, số liều tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 232.567 liều (tất cả đều là mũi 1). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ đạt 2% sau 1 tuần triển khai

Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận 239.245.014 liều vaccine phòng COVID-19. Cụ thể, vaccine tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đã tiếp nhận 234.637.014 liều, trong đó đã phân bổ 211.318.990 liều. Số vaccine còn lại đang có kế hoạch phân bổ trong các tháng tiếp theo.

Đối với vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Việt Nam đã tiếp nhận 4.608.000 liều, đã phân bổ 2.304.400 liều. Số vaccine còn lại sẽ phân bổ cho các địa phương ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục kiểm định chất lượng.

Tính đến ngày 22/4, cả nước đã tiêm 211.284.125 liều vaccine COVID-19, tỷ lệ sử dụng đạt 98,9% số vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100%, mũi 3 đạt 54,4%. Trẻ em từ 12-17 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 96,2%. Trẻ em từ 5 –11 tuổi mũi 1 đạt 2%.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: Số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.

Hiện nay, số ca mắc mới dưới 15.000 ca/ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng TP. Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca/ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay). Trên cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay. 

Bộ Y tế dự báo, thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Vì vậy, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/4, trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 17/4, cả thế giới ghi nhận 5,59 triệu ca mắc mới, giảm 24% so với tuần trước, số ca tử vong là trên 18.000 người, giảm 21% so với tuần trước.

Số ca mắc mới giảm rõ rệt ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Địa Trung Hải, châu Âu và Đông Nam Á. Ở Đông Nam Á, các nước có số ca mắc mới tăng nhiều gồm Thái Lan, Indonesia nhưng nhìn chung vẫn giảm 2%-44% so với tuần trước.

WHO xác định, 99,5% số ca COVID-19 trên toàn thế giới hiện nay là do biến chủng Omicron gây ra, chỉ 0,1% do Delta và 0,4% do các dòng chưa được định danh.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

 

 

.
.
.