Thứ Tư, 13/04/2022, 10:08 (GMT+7)
.

Bé bị nhiễm Covid-19, nên chờ bao lâu để được tiêm vắc xin?

(ABO) Bé Nguyễn Ngọc H., 10 tuổi, học lớp 4 ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị mắc Covid-19 đã khỏi được một tháng. Em chỉ sốt hai ngày thì khỏi, sau một tuần thử test lại âm tính, nên bé H được trở lại trường.

Mẹ của H. được nhà trường hỏi kiến về việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Mẹ bé phân vân nên gặp bác sĩ để tư vấn khi nào thì được tiêm ngừa? Bác sĩ khuyên nên chọn thời điểm cháu thiệt khỏe thì tiêm, càng sớm càng tốt.

Về chuyên môn, tại Hội nghị trực tuyến về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người đã mắc Covid-19 vừa diễn ra đã thống nhất chủ trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ.

Theo hướng dẫn sàng lọc trẻ em từ 5 - 11 tuổi trước tiêm chủng phòng Covid-19 của Bệnh viện Nhi Trung ương, các bé đã mắc Covid-19 có hai trường hợp: Thứ nhất là hoãn tiêm hai tháng kể từ ngày khởi phát; thứ hai có thể tiêm sớm hơn ngay sau khi trẻ khỏi bệnh khi đã xem xét từng cá thể có cân nhắc giữa lợi ích tiêm ngừa và nguy cơ có thể xảy ra rủi ro. Nếu bé bị bệnh nặng khi mắc Covid-19 như hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) thì nên hoãn tiêm cho đến khi bé hồi phục hoàn toàn, chuyển tiêm tại bệnh viện nếu đủ điều kiện được tiêm.

Trường hợp nào phải trì hoãn từ 2 - 3 tháng? Trường hợp nào phải tiêm ngay khi hết cách ly, tức sau 7 ngày khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính?

Trường hợp cần trì hoãn từ 2 - 3 tháng: Chúng ta biết trẻ em mắc bệnh Covid-19, sẽ có nguy cơ bị biến chứng hậu Covid-19, dù rất hiếm. Hậu Covid-19 xảy ra từ 4 - 6 tuần sau khi khỏi bệnh Covid-19. Hậu Covid-19 nặng nhất ở trẻ em thường gặp là hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) hoặc viêm cơ tim. Vì vậy các nhà khoa học khuyên nên chờ cho bé đã khỏi bệnh Covid-19 qua được khoảng thời gian có nguy cơ biến chứng hậu Covid-19, mới thực sự an toàn cho bé. MIS-C chiếm tỷ lệ 1 trong 3.000 trẻ em, xảy ra từ 2 - 6 tuần sau khi nhiễm Covid-19, riêng chủng Omicron càng hiếm hơn nữa. Chờ đợi ít nhất 4 tuần giúp các bậc cha mẹ tự tin rằng con mình đã hồi phục hoàn toàn.

Trường hợp nên tiêm càng sớm càng tốt sau khi hết thời gian cách ly: Nếu bé đã bị Covid-19, bé được bảo vệ trong một thời gian, nhưng hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu để biết bé sẽ được bảo vệ bao lâu sau khi khỏi bệnh, nhất là trong giai đoạn vi rút SARS-CoV-2 luôn biến đổi thành các biến thể khác xa với chủng vi rút ban đầu. Hơn nữa các bé đã khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm lại SARS-CoV-2 do kháng thể sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Một lý do quan trọng là khi nhiễm Covid-19, bé sẽ có "miễn dịch niêm mạc" trong mũi và cổ họng, đó là một miễn dịch tự nhiên khu trú ở đường hô hấp trên. Miễn dịch tự nhiên không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể tốt nhất, mà bé cần bổ sung khả năng miễn dịch toàn thân, miễn dịch toàn thân do các tế bào nhớ kích thích tế bào miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể từ mũi tiêm ngừa Covid-19.

Sự kết hợp của miễn dịch do nhiễm Covid -19 tự nhiên và tiêm chủng mang lại sự bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn cho bé. Vì vậy nên tiêm ngừa sớm cho các bé mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, khi bé đã khỏe mạnh hoàn toàn. Tiêu chuẩn bé khỏi bệnh, khỏe mạnh là bé hết sốt trên 24 giờ mà không cần thuốc hạ sốt, hết ho, hết tiêu chảy và sinh hoạt chạy chơi, học hành bình thường, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính.

Tóm lại, người dân nên đưa các bé từ 5 - 11 tuổi đi tiêm ngừa Covid-19, dù bé đã từng mắc bệnh trước đó. Thời điểm nào sau mắc Covid-19 để quyết định tiêm ngừa là hết sức linh hoạt, tùy theo thể trạng của bé, kết hợp với bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc tiêm ngừa mà chúng ta quyết định. Lợi ích lớn nhất của vắc xin là rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, lên tới 96% ngừa được bệnh nặng nếu mắc chủng Delta và 79% nếu mắc chủng Omicron.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC


 

.
.
.